Hết thời hạn thử việc có đương nhiên chuyển sang chính thức

Sau khi kết thúc thời gian thử việc điều mà người lao động quan tâm đó là họ có được đương nhiên nhận làm chính thức hay không. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp vấn đề trên theo quy định của pháp luật.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

2.Thử việc là gì?

Thử việc là quá trình các bên làm thử trong một thời gian nhất định để đánh giá năng lực, trình độ, ý thức, điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động…. trước khi quyết định ký kết hợp đồng lao động chính thức. Từ thời gian thử việc này, bên sử dụng lao động có thể đánh giá được năng lực và hiệu quả công việc, người lao động cũng biết xem mình có phù hợp với công việc, môi trường làm việc và các chế độ khác hay không từ đó đưa ra kết luận có làm việc chính thức hay không.

Pháp luật cho phép các bên thỏa thuận về vấn đề thử việc bởi Khoản 1 Điều 24 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”

3.Hết thời gian thử việc có được đương nhiên chuyển sang chính thức

Theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

– Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

– Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Như vậy, thời gian thử việc tối đa của người lao động là không quá 180 ngày đối với trường hợp làm công việc của người quản lý doanh nghiệp.

Cùng với đó Điều 27 Bộ luật Lao động quy định về vấn đề kết thúc thời gian thử việc như sau:

“1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.”

Như vậy, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động buộc phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động biết.

+Nếu người sử dụng lao động thông báo thử việc đạt, các bên sẽ tiến hành ký hợp đồng lao động. Lúc này người lao động sẽ trở thành nhân viên chính thức.

+Nếu họ thông báo thử việc không đạt, các bên sẽ chấm dứt luôn hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã ký.

Trường hợp cố tình im lặng, không thông báo kết quả thử việc, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 01 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, Công ty không thông báo kết quả thử việc, không ký hợp đồng lao động nhưng vẫn để người lao động tiếp tục làm việc mà không có thỏa thuận nào khác thì theo tinh thần của Án lệ số 20/2018/AL, trường hợp này vẫn được coi là đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động.

Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi tối đa và tránh tranh chấp về sau thì khi hết thử việc người lao động cần khéo léo đề nghị phía doanh nghiệp ký hợp đồng lao động.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, hết thời gian thử việc thì không đương nhiên chuyển sang hợp đồng chính thức. Việc có chuyển sang hợp đồng chính thức hay không phải phụ thuộc vào kết quả thỏa thuận giữa các bên.

4.Được thử việc bao nhiêu lần cho một vị trí công việc

Theo Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

“Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

 […]”

Như vậy, doanh nghiệp chỉ được yêu cầu người lao động thử việc 01 lần đối với 01 công việc đã được các bên thỏa thuận trước đó.

Trường hợp thấy người lao động thử việc chưa ổn mà yêu cầu thử việc thêm lần nữa với công việc đã làm, phía doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;”

Như vậy, người sử dụng lao động vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng.

Lưu ý: Pháp luật không cấm thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau tại cùng một doanh nghiệp.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề kết thúc thời gian thử việc thì có được đương nhiên chuyển sang chính thức theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *