Độ tuổi lao động là một vấn đề quan trọng và đáng quan tâm của người lao động. Độ tuổi là một trong các yếu tố quyết định, người lao động có được làm việc, làm những việc gì và bao giờ thì được nghỉ hưu. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn làm rõ độ tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
- Nghị định 135/2020/NĐ-CP Quy định về tuổi nghỉ hưu
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
2. Độ tuổi lao động
Theo Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động tại Việt Nam là 15 tuổi trừ một số trường hợp đặc biệt theo luật định.
Bên cạnh đó pháp luật còn quy định về lao động chưa thành niên tại Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Lao động chưa thành niên
- Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.
- Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
- Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.”
Như vậy, độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động Việt Nam là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác.
3. Độ tuổi nghỉ hưu của người lao động
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.”
Như vậy, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường năm 2023 là:
– Đối với lao động nam: 60 tuổi 9 tháng.
– Đối với lao động nữ: 56 tuổi.
Người lao động được nghỉ hưu sớm hơn so với quy định trên trong những trường hợp sau:
Căn cứ Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP thì người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
– Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
– Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
– Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm a và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên.
4. Xử phạt hành vi sử dụng người lao động không đúng
Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:
– Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định khi sử dụng người lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Sử dụng người lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó.
+ Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; Bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; Không có giấy khám sức khoẻ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khoẻ của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; Không tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;
+ Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định của Bộ luật lao động;
+ Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;
– Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được phép luật cho phép.
Trên đây là những giải đáp về độ tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My