Có được quảng cáo bằng việc so sánh chất lượng hàng hóa với công ty đối thủ?

Thương nhân khi kinh doanh hàng hóa trên thị trường thì sẽ phải đối mặt với việc phải cạnh tranh với nhiều đối thủ cùng kinh doanh loại hàng hóa đó. Do đó để cạnh tranh với những đối thủ của mình nhiều thương nhân đã lựa chọn cách quảng cáo bằng việc so sánh chất lượng hàng hóa với công ty đối thủ. Vậy theo quy định của pháp luật việc làm này có hợp pháp? Trong phạm vi bài viết này, công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi: Có được quảng cáo bằng việc so sánh chất lượng hàng hóa với công ty đối thủ?

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật thương mại 2005
  • Luật cạnh tranh 2018
  • Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo
  • Quyết định 4149/QĐ-BVHTTDL năm 2017 Ban hành quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo

II. Thế nào là quảng cáo thương mại

Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình (Điều 102 luật thương mại 2005)

– Chủ thể thực hiện: thương nhân

– Đối tượng: hàng hóa, dịch vụ

– Bản chất:  là hoạt động bổ trợ, được thực hiện không phải để trực tiếp tiêu thụ hàng hoá dịch vụ mà góp phần làm cho hành vi mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại diễn ra thuận lợi hơn.

– Mục đích: để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ 

III. Có được quảng cáo bằng việc so sánh chất lượng hàng hóa với công ty đối thủ

Căn cứ Điều 109 Luật Thương mại 2005 quy định về các quảng cáo thương mại bị cấm như sau:

“Các quảng cáo thương mại bị cấm

9.Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm như sau:

“Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

1.Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

….

5.Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

…”

Như vậy, hành vi quảng cáo hàng hóa bằng việc so sánh chất lượng hàng hóa với công ty đối thủ nhưng không chứng minh được nội dung là hành vi quảng cáo nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Đây là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật.

Lưu ý: Nếu thương nhân chứng minh được nội dung quảng cáo của mình không so sánh chất lượng hàng hóa với công ty đối thủ thì sẽ không vi phạm.

IV. Xử phạt hành vi vi phạm trên 

Căn cứ Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP và điểm b khoản 4, khoản 7, điểm a khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP  thì hành vi quảng cáo hàng hóa bằng việc so sánh chất lượng hàng hóa với công ty đối thủ nhưng không chứng minh được nội dung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với tổ chức.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng. Và bị buộc, tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hàng hóa hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm trên.

V. Một số câu hỏi khác liên quan đến quảng cáo thương mại

Câu 1: Có được quảng cáo bằng tiếng nước ngoài hay không?

Căn cứ Khoản 2 Điều 18 Luật Quảng cáo 2012 quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo như sau:

“…

2.Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.”

Như vậy, thương nhân hoàn toàn được quảng cáo bằng tiếng nước ngoài tuy nhiên phải tuân thủ theo quy định trên về số lượng chữ và khổ chữ.

Câu 2: Những nội dung quảng cáo nào được coi là quảng cáo có các nội dung gây hiểu lầm cho người tiêu dùng?

Theo quy định tại Điều 9 Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo ban hành kèm theo Quyết định 4149/QĐ-BVHTTDL năm 2017 thì trong nội dung quảng cáo không có các nội dung gây hiểu nhầm như sau:

– Các đặc điểm của sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sự lựa chọn của người tiêu dùng, bao gồm: bản chất, thành phần, phương pháp sản xuất và ngày sản xuất, phạm vi sử dụng, sự hiệu quả và hiệu suất, số lượng, nguồn gốc thương mại hoặc địa lý, ảnh hưởng tới môi trường;

– Giá trị của sản phẩm;

– Tổng giá tiền mà người tiêu dùng phải trả khi mua sản phẩm;

– Điều khoản giao hàng, đổi hàng, trả hàng, sửa chữa và bảo trì;

– Điều khoản bảo hành;

– Bản quyền và quyền sở hữu công nghiệp như bằng sáng chế, thương hiệu, mẫu mã và tên thương mại;

– Sự tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn;

– Sự công nhận hoặc chấp thuận chính thức, các giải thưởng như huy chương, danh hiệu và bằng cấp;

– Mức độ đóng góp cho các mục đích từ thiện.

Câu 3: Cá nhân có hành vi quảng cáo súng săn tự chế trên các trang Website thương mại điện tử sẽ bị xử phạt ra sao?

Theo quy định tại khoản 5 điều 7 luật quảng cáo 2012 thì súng săn tự chế nằm trong nhóm các sản phẩm, hàng hóa bị cấm quảng cáo do đó không được phép quảng cáo sản phẩm này ở bất kỳ đâu, kể cả Website thương mại điện tử.

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì cá nhân có hành vi quảng cáo súng săn tự chế trên các trang Website thương mại điện tử sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo.

Lưu ý: Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền tại điều này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

 Trên đây giải đáp của chúng tôi về câu hỏi Có được quảng cáo bằng việc so sánh chất lượng hàng hóa với công ty đối thủ và một số câu hỏi khác liên quan đến quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 27/11/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *