CĂN CỨ CHẤM DỨT QUYỀN BỀ MẶT

Hiện nay các giao dịch dân sự thường gắn liền với đất đai, bất động sản nên quyền bề mặt đang là vấn đề quan trọng. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về căn cứ chấm dứt quyền bề mặt trong bài viết dưới đây nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. QUYỀN BỀ MẶT TRONG BLDS 2015

Điều 267 BLDS 2015 quy định: “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất thuộc về chủ thể khác”.

2. CĂN CỨ CHẤM DỨT QUYỀN BỀ MẶT

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định các căn cứ chấm dứt quyền bề măt tại Điều 272 BLDS 2015. Cụ thể:

  • Thứ nhất, thời hạn hưởng quyền bề mặt đã hết. Nếu quyền bề mặt được hình thành trong một thời hạn nào đó (thỏa thuận, di chúc hoặc quy định của Luật) thì khi hết thời hạn này quyền bề mặt sẽ chấm dứt.
  • Thứ hai, chủ thể có quyền bề mặt và chủ thể có quyền sử dụng đất là một. Người có quyền sử dụng đất và chủ thể xác lập quyền bề mặt khác nhau nên các chủ thể có tư cách pháp lý không giống nhau. Tuy nhiên, chủ thể có quyền sử dụng đất có thể chuyển giao quyền sử dụng đất cho người có quyền bề mặt thông qua hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho hoặc thông qua thừa kế. Do đó, khi chủ thể quyền bề mặt và chủ thể có quyền sử dụng đất là một thì quyền bề mặt cũng chấm dứt.
  • Thứ ba, chủ thể có quyền bề mặt từ bỏ quyền của mình. Quyền bề mặt là một loại tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu nên khi chủ sở hữu tài sản không còn nhu cầu khai thác quyền đó, không muốn chuyển giao cho chủ thể khác nên đã từ bỏ quyền thuộc sở hữu của mình. 
  • Thứ tư, quyền sử dụng đất có quyền bề mặt bị thu hồi theo quy định của Luật Đất đai. Thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước giao, cho thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thu lại quyền sử dụng đất do người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Như vậy, khi Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, quyền sử dụng đất của người được Nhà nước giao đã xác lập quyền bề mặt của người khác sẽ chấm dứt.
  • Thứ năm, theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của Luật. Các bên có thể thỏa thuận chấm dứt quyền bề mặt vào bất cứ thời gian nào hoặc quyền bề mặt chấm dứt theo quy định của Luật. Trường hợp quyền bề mặt chấm dứt, chủ thể quyền bề mặt phải trả lại mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền sử dụng đất theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ thể quyền bề mặt phải xử lý tài sản thuộc sở hữu của mình trước khi quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ thể quyền bề mặt không xử lý tài sản trước khi quyền bề mặt chấm dứt thì quyền sở hữu tài sản đó thuộc về chủ thể có quyền sử dụng đất kể từ thời điểm quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản đó. Trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản mà phải xử lý tài sản, chủ thể có quyền bề mặt phải thanh toán chi phí xử lý tài sản.

3. XỬ LÝ TÀI SẢN KHI QUYỀN BỀ MẶT CHẤM DỨT

  • Do có các căn cứ chấm dứt quyền bề mặt nên việc đặt ra quy định về “Xử lý tài sản khi quyền bề mặt chấm dứt” được quy định tại Điều 273 BLDS 2015. Khi quyền bề mặt chấm dứt, chủ sở hữu tài sản phải di dời hoặc phá dỡ để trả lại tình trạng ban đầu của đất. Hiện nay, việc di dời các tài sản trên đất và gắn liền với đất là hoàn toàn có thể. 
  • Trong các dạng tài sản trên, cây cối là tài sản có khả năng di dời được cao nhất, điều này khó hơn với nhà ở và công trình xây dựng nhưng vẫn có khả năng di dời được. Pháp luật Việt Nam cũng đã quy định để bảo vệ cho các tài sản này đó là chuyển quyền sở hữu tài sản sang cho chủ sử dụng đất nếu chủ sử dụng đất nhận tài sản đó. Nếu chủ sử dụng đất không nhận tài sản này, phải xử lý tài sản thì chủ thể có quyền bề mặt phải thanh toán chi phí xử lý tài sản.

Trên đây là nội dung về căn cứ chấm dứt quyền bề mặt, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 04/11/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *