Trong phạm vi bài viết, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
Mục lục
I. Cơ sở pháp lý
- Luật thuế thu nhập cá nhân 2007
- Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân
- Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân
II. Các khoản giảm trừ thuế TNCN là gì?
Các khoản giảm trừ thuế TNCN là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công
III. Các khoản giảm trừ thuế TNCN
1. Giảm trừ gia cảnh
Thứ nhất giảm trừ gia cảnh được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.
Thứ hai mức giảm trừ gia cảnh
– Đối với bản thân người nộp thuế: Mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng, 132 triệu đồng/năm.
– Đối với mỗi người phụ thuộc: Mức giảm trừ gia cảnh là 4,4 triệu đồng/tháng.
Thứ ba nguyên tắc giảm trừ gia cảnh
– Đối với bản thân người nộp thuế:
+ Trường hợp người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
+ Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).
+Trường hợp trong năm tính thuế, cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế.
– Đối với người phụ thuộc:
+ Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng. Cụ thể
- Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).
- Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
- Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
+ Vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp; cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng đáp ứng điều kiện sau:
- Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Bị khuyết tật, không có khả năng lao động; không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
- Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
+ Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.
2. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện
– Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.
– Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện:
Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá một (01) triệu đồng/tháng đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện bao gồm cả số tiền do người sử dụng lao động đóng cho người lao động và cả số tiền do người lao động tự đóng (nếu có), kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ.
– Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện của năm nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.
– Chứng từ chứng minh đối với các khoản bảo hiểm được trừ nêu trên là bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu nhập nộp thay).
3. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế bao gồm:
– Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận.
Lưu ý: các quỹ này phải được thành lập hợp pháp và phải có sổ sách kế toán rõ ràng
Trên đây là những giải đáp về các khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: 30/11/2023