TÌM HIỂU VỀ MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ

          Hiện nay với sự phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu việc mua bán hàng hóa quốc tế trở lên dễ dàng hơn và phổ biến hơn. Để tạo hành lang pháp lý cho các thương nhân thì pháp luật đã quy định khá cụ thể về vấn đề mua bán hàng hóa quốc tế. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của pháp luật.

1.Cơ sở pháp lý

  • Luật thương mại 2005

2.Thế nào là mua bán hàng hóa quốc tế?

      Mua bán hàng hóa quốc tế là hoạt động mua bán của thương nhân được thực hiện dưới các hình thức: xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Điều 27 luật thương mại 2005)

       Hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế là hoạt động mua bán hàng hoá vượt ra ngoài phạm vi một quốc gia, diễn ra tại nhiều nước khác nhau, với nhiều yếu tố khác biệt về địa lí, lịch sử, khí hậu, cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị, luật pháp, văn hoá, tôn giáo… Chính vì vậy, hoạt động này mang tính phức tạp hơn hoạt động mua bán hàng hoá trong nước và có nhiều rủi ro hơn như vấn đề rủi ro đối với hàng hoá trong quá trình vận tải từ nước này sang nước khác, rủi ro trong thanh toán, chuyển tiền quốc tế, hay sự xuất hiện thường xuyên của hiện tượng xung đột luật…

3.Các hình thức mua bán hàng hóa quốc tế

3.1 Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

      Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

     Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

       Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép hiện được Chính phủ quy định cụ thể căn cứ vào điều kiện kinh tế – xã hội của từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

       Về thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa:

– Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.

– Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.

– Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra theo quy định tại Điều 65 Luật Quản lý ngoại thương, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

– Đối với hàng hóa không thuộc các trường hợp ở trên, thương nhân chỉ phải giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan hải quan.

business man handshake with global network link connection, graph chart of stock market graphic diagram and city background, digital technology, internet communication, teamwork, partnership concept

3.2 Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hoá

         Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.

        Tạm xuất, tái nhập hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật, có làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu lại chính hàng hoá đó vào Việt Nam.

3.3 Chuyển khẩu hàng hoá

        Chuyển khẩu hàng hóa là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện theo các hình thức sau đây:

– Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam;

– Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

– Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hoá tại các cảng Việt Nam, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

3.4 Nhãn hàng hóa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

          Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn lên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

          Trên đây là những giải đáp về mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 03/11/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *