Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm là chứng nhận bắt buộc, chứng minh cơ sở đủ điều kiện vệ sinh để cung cấp hàng cho người tiêu dùng liên quan đến thực phẩm. Do đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường và duy trì lòng tin của khách hàng. Vậy thủ tục để đạt giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm như thế nào? Xin mời các bạn độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết của Công ty Luật Winlegal để hiểu và nắm rõ được những quy định về Hồ sơ, thủ tục cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm có thể giúp các bạn độc giả hiểu sâu hơn về pháp luật.
1 Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?
Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp cho hộ kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống chứng minh doanh nghiệp, cá nhân hay cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm có điều kiện môi trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguyên liệu chế biến,…đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng tính minh bạch, uy tín sản phẩm và đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
2 Cơ sở nào phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm?
Theo quy định tại Điều 11 – Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể; Cơ sở kinh doanh thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm như: cơ sở sản xuất thực phẩm, cửa hàng bán thực phẩm, siêu thị, chợ) phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các trường hợp sau:
a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
c) Sơ chế nhỏ lẻ;
d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
g) Nhà hàng trong khách sạn;
h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
i) Kinh doanh thức ăn đường phố;
k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
3. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm?
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp. Căn cứ vào sản phẩm/dịch vụ kinh doanh về thực phẩm thực tế của doanh nghiệp là gì mà cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cũng khác nhau. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm các cơ quan sau:
- Bộ Y tế cấp phép: đối với các cơ sở chế biến thức ăn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống.
- Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cấp phép: đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
- Bộ Công thương cấp phép: đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm.
4. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP);
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Sau khi chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm đầy đủ các tài liệu nêu trên thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho một trong các cơ quan: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương xét duyệt hồ sơ.
5. Quy trình thủ tục xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
– Bước 1: Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; hoặc cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
– Bước 2: Nộp lệ phí.
Chi phí cấp giấy chứng nhận lần đầu
Ngoài ra còn cần nộp phí xét hồ sơ, phí kiểm tra thực tế địa điểm sản xuất kinh doanh khi xin được cấp phép và phí kiểm tra định kỳ sau khi đã có giấy phép.
– Bước 3: Khi hồ sơ đã hợp lệ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức đoàn kiểm tra thực tế. Kết quả ghi vào Biên bản kiểm tra thực tế.
– Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Bước 5: Trường hợp kết quả thực tế không đạt, trong biên bản phải ghi rõ thời hạn kiểm tra thực tế lại (tối đa là 03 tháng), nếu kết quả vẫn không đạt thì đoàn lập biên bản và đề xuất đình chỉ hoạt động.
Hiệu lực sử dụng của giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 3 năm. Sau khi cấp giấy phép, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra thêm một lần nữa. Nếu cơ sở vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm đã được cấp.
Trên đây là bài viết Công ty Luật Winlegal tư vấn về hồ sơ Thủ tục cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật về giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm vui lòng liên hệ: 0246.29.33.222/0976.718.066 để được tư vấn – hỗ trợ!
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P.Xuân La, Q.Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Thu Luyến