QUY ĐỊNH VỀ TÀI SẢN RIÊNG CỦA VỢ CHỒNG

Tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân là vấn đề khá nhạy cảm và nhận được không ít sự quan tâm của mọi người. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ thế nào được xem là tài sản riêng của vợ, chồng. Nhằm để làm rõ vấn đề này công ty luật Winlegal xin gửi đến quý khách hàng quy định pháp luật hiện hành liên quan đến tài sản riêng của vợ, chồng.

I TÀI SẢN RIÊNG CỦA VỢ, CHỒNG GỒM NHỮNG GÌ?

Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định của pháp luật bao gồm:

  • Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
  • Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;
  • Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng;
  • Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng sau khi chia tài sản chung của vợ, chồng;
  • Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng như;
  • Quyền tài sản với đối tượng sở hữu trí tuệ;
  • Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
  • Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Như vậy, không phải cứ kết hôn, mọi tài sản đều là tài sản chung của vợ chồng. Pháp luật vẫn cho phép vợ chồng có tài sản riêng để đảm bảo nhu cầu và lợi ích của mỗi bên vợ chồng. Tài sản riêng là tài sản vợ chồng có trước khi kết hôn hoặc được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản được chia riêng cho vợ. Đồng thời, tài sản riêng là tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ chồng.

II QUYỀN CỦA VỢ, CHỒNG ĐỐI VỚI TÀI SẢN RIÊNG

Tài sản riêng của vợ hoặc chồng được quy định theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, vợ hoặc chồng có các quyền đối với tài sản riêng như sau:

  • Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung; Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản;
  • Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó; Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của vợ, chồng.

Như vậy vợ chồng có quyền có tài sản riêng, do đó, pháp luật cũng có quy định họ có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mình; vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung. Tuy nhiên, gia đình luôn dựa trên sự gắn kết, vợ chồng và con cái luôn có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Do đó, pháp luật quy định không phải lúc nào người có tài sản riêng cũng có toàn quyền định đoạt tài sản đó. Trong trường hợp vợ chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt phải có sự đồng ý của người kia.

III NHẬP KHỐI TÀI SẢN RIÊNG CỦA VỢ CHỒNG VÀO TÀI SẢN CHUNG

Điều 46 LHN&GĐ quy định về nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung như sau:

  1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
  2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
  3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo đó, việc nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung phải được thực hiện theo thoả thuận giữa hai vợ chồng, với hình thức văn bản thoả thuận được công chứng.

IV NGUYÊN TẮC PHÂN CHIA TÀI SẢN RIÊNG KHI LY HÔN

Khi giải quyết vụ việc ly hôn, Tòa án sẽ căn cứ theo nguyên tắc được quy định tại Khoản 4 Điều 59. Luật Hôn nhân gia đình để tiến hành phân chia tài sản riêng cụ thể như sau:

  • Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
  • Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
  • Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Winlegal. Hi vọng, những chia sẻ trên là có hữu ích đối với bạn. Nếu còn vướng mắc, chưa hiểu rõ hay cần sự hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ!

 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên Viên: Thu Luyến

Ngày xuất bản: 2/11/2023

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *