Phạm vi áp dụng của CISG cho hợp đồng mua bán quốc tế

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về phạm vi áp dụng của Công ước Viên 1980 (CISG) cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

I. Cơ sở pháp lý

  • Công ước Viên 1980 (CISG)

II. Giới thiệu về CISG

Công ước Viên 1980 (viết tắt theo tiếng Anh là CISG- Convention on Contracts for the International Sale of Goods) là công ước quốc tế nhiều bên được ký ngày 14/4/1980 tại Viên thuộc nước Áo và có hiệu lực từ ngày 01/01/1988. Công ước này quy định các vấn đề pháp lý cơ bản về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Công ước Viên 1980 gồm 101 Điều và được chia làm 4 phần. 

CISG ra đời để thống nhất về pháp luật nội dung áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhằm thay thế cho hai Công ước La Haye năm 1964. Được soạn thảo dựa trên các điều khoản của hai Công ước La Haye, song Công ước Viên 1980 có những điểm đổi mới và hoàn thiện cơ bản.

Cho đến nay, CISG đã trở thành một trong các công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất và là Công ước quốc tế có quy mô lớn về số quốc gia tham gia và mức độ được áp dụng. Với 74 quốc gia thành viên, ước tính Công ước này điều chỉnh các giao dịch chiếm đến ba phần tư thương mại hàng hóa thế giới. CISG có 62 nước tham gia, bao gồm: 22 nước Châu Âu và nước phát triển phương Tây, 11 nước xã hội chủ nghĩa, 11 nước Nam Mỹ, 7 nước Châu Phi và 11 nước Châu Á.

III. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay còn gọi là hợp đồng ngoại thương là hợp đồng được ký kết bởi các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau. Đồng thời, hàng hóa – đối tượng của hợp đồng sẽ được chuyển từ quốc gia này qua quốc gia khác, tức là có sự dịch chuyển giữa các biên giới các quốc gia/các vùng lãnh thổ. Trong đó, biên giới có thể được hiểu là biên giới địa lý hoặc biên giới theo pháp lý (dù không có sự dịch chuyển về lãnh thổ).

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập bằng văn bản hoặc các hình thức khác, có giá trị pháp lý tương đương. Việc mua bán hàng hóa quốc tế có thể được diễn ra dưới các hình thức như:

– Xuất khẩu/nhập khẩu

– Tạm nhập/tái xuất/tạm xuất/tái nhập

– Chuyển khẩu

IV. Phạm vi áp dụng của CISG

Công ước áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các nước khác nhau được áp dụng trong hai trường hợp sau:

– Khi trụ sở của các bên đóng tại các nước khác nhau là thành viên của Công ước.

Công ước không dùng các tiêu chí như nơi giao kết hợp đồng hay nơi thực hiện hợp đồng để xác định tính quốc tế của hợp đồng mà chỉ dựa vào việc các bên đến từ các quốc gia khác nhau. Ví dụ như hai thương nhân đều có địa điểm kinh doanh ở Mỹ giao kết hợp đồng và hàng giao từ Việt Nam đến Pháp, thì CISG sẽ không áp dụng. CISG sẽ được áp dụng nếu thương nhân có địa điểm kinh doanh ở Mỹ và thương nhân ở địa điểm kinh doanh ở Đức giao kết hợp đồng.

Lưu ý:  Công ước sẽ không áp dụng nếu việc hai bên có địa điểm kinh doanh ở các quốc gia khác nhau là không thể nhận biết được trong hợp đồng, trong các giao dịch trước đó giữa các bên và trong thông tin trao đổi giữa các bên vào bất kì thời điểm nào trước hoặc vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Ngoài ra, Trường hợp một bên có nhiều hơn một địa điểm kinh doanh, theo Điều 10, địa điểm kinh doanh được xác định là nơi có mối quan hệ gần gũi nhất với việc giao kết và thực hiện hợp đồng, có xem xét đến hoàn cảnh mà các bên biết hoặc dự liệu vào bất kì thời điểm nào trước hoặc vào thời điểm giao kết hợp đồng.

– Khi nguyên tắc trong tư pháp quốc tế quy định luật được áp dụng là luật của các nước thành viên của Công ước.

Trường hợp này bao gồm hai tình huống cụ thể. 

+ Tình huống thứ nhất là khi áp dụng các quy phạm xung đột trong Tư pháp quốc tế của một nước (thông thường là nước có tòa án đang giải quyết tranh chấp) dẫn chiếu đến luật của một quốc gia thành viên công ước. Ví dụ: Việt Nam là thành viên của CISG ký hợp đồng mua bán hàng hóa với Anh không phải là thành viên của CISG. Khi có tranh chấp, tranh chấp này đang được xét xử tại tòa án ở Anh và pháp luật Anh áp dụng giải quyết tình huống này lại dẫn chiếu đến sử dụng pháp luật Mỹ (là thành viên của CISG) thì lúc này CISG sẽ được áp dụng.

+ Tình huống hai các bên lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng là luật của một nước thành viên CISG. Ví dụ Việt Nam là thành viên của CISG ký hợp đồng mua bán hàng hóa với Anh không phải là thành viên của CISG. CISG vẫn sẽ được áp dụng nếu trong hợp đồng thỏa thuận khi có tranh chấp xảy ra sẽ áp dụng luật Việt Nam để giải quyết hoặc áp dụng luật của nước khác là thành viên của CISG.

Trường hợp này cho phép một bên hoặc cả hai bên không phải là thành viên của công ước, CISG vẫn có khả năng được áp dụng.  Thực tế cho thấy áp dụng quy định này là rất khó khăn và phức tạp.

V. Phạm vi không áp dụng công ước

Công ước không áp dụng trong những trường hợp sau:

– Mua bán hàng hóa dùng cho cá nhân, gia đình, nội trợ

Theo giải thích của cơ quan soạn thảo CISG, các giao dịch mua bán hàng hoá hoàn toàn vì mục đích tiêu dùng cho cá nhân, gia đình, nội trợ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG nếu người bán đã biết về mục đích này trước hoặc tại thời điểm giao kết hợp đồng; hoặc mục đích này là hiển nhiên. Để xác định tính hiển nhiên của mục đích tiêu dùng cho cá nhân, gia đình, nội trợ, ta cần xem xét các yếu tố khách quan như bản chất của hàng hoá, số lượng hàng hoá, địa chỉ giao hàng.

Tuy nhiên, nếu hàng được mua bởi một cá nhân cho mục đích kinh doanh, giao dịch đó sẽ được điều chỉnh bởi CISG. 

– Mua đấu giá;

Bán đấu giá là cách thức mua bán đặc biệt, các chủ thể phải tuân thủ các quy chế đặc thù. Các bên trong hợp đồng mua bán phải thông qua trung gian mà không có thoả thuận trực tiếp. Thêm vào đó, với cách thức bán đấu giá, cách trả giá có tính chất đặc thù và giá cả không phản ánh đúng giá trị của hàng hoá. Do đó, CISG không áp dụng cho đối với các giao dịch dưới hình thức bán đấu giá.

– Các loại hợp đồng về:

+ Mua bán cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán, chứng từ lưu thông tiền tệ;

+ Mua bán tàu thủy, máy bay, phương tiện vận tải bằng kinh khí cầu;

+ Mua bán điện năng;

Những hàng hoá như máy bay, tàu thủy, cổ phiếu, cổ phần, điện năng… được mua bán dưới sự điều chỉnh bởi các quy định đặc thù. Do chúng là những hàng hóa có tính chất đặc biệt do chúng có giá trị lớn, liên quan tới an ninh quốc gia, lãnh thổ, cách thức mua bán đặc biệt.

 CISG không điều chỉnh các hợp đồng liên quan tới việc mua bán các loại hàng hoá này bởi chúng chịu sự điều chỉnh của các hệ thống pháp luật khác nhau có thể gây nên xung đột giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia 

– Các hợp đồng mua bán mà phần chủ yếu của hợp đồng là thực hiện các công việc hoặc dịch vụ khác;

Các hợp đồng mua bán hàng hoá được gia công hoặc sản xuất thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG nếu các hàng hoá đó gần như đã được làm sẵn (as much as ready-made goods). Nếu người mua cung cấp phần lớn nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hoặc sản xuất hàng hóa thì hợp đồng đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG

Giải quyết hậu quả thiệt hại về thân thể hoặc việc chết của người do hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa gây ra.

Trên đây là những giải đáp về phạm vi áp dụng của Công ước Viên 1980 (CISG) cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 07/12/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *