Người sử dụng lao động khi thuê lại lao động cần lưu ý những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thuê lại lao động. Vậy những hành vi đó là gì? Trong phạm vi bài viết này công ty Luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.
1.Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
2.Cho thuê lại lao động là gì?
Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động (khoản 1 điều 52 Bộ luật lao động 2019)
3.Điều kiện để sử dụng lao động cho thuê lại
– Căn cứ khoản 2 Điều 53 BLLĐ năm 2019, bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau:
+ Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
+ Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
+ Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
– Bên thuê lại lao động sẽ không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp:
+ Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
+ Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
+ Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
4.Những hành vi bị cấm của bên thuê lại lao động
4.1 Thuê lại lao động không đúng mục đích và thời hạn quy định
– Bên thuê lao động được thuê lại lao động với các mục đích sau
+ Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định
+ Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc thực hiện các nghĩa vụ công dân
+ Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao
Pháp luật chỉ cho phép thuê lại lao động tối đa 12 tháng
4.2 Thuê lại lao động làm công việc không thuộc danh mục pháp luật cho phép
Pháp luật chỉ cho phép một số nghề nhất định được phép thuê lại lao động quy định tại Phụ lục II của nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể là những nghề sau:
– Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký.
– Thư ký/Trợ lý hành chính.
– Lễ tân.
– Hướng dẫn du lịch.
– Hỗ trợ bán hàng.
– Hỗ trợ dự án.
– Lập trình hệ thống máy sản xuất.
– Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông.
– Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất.
– Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy.
– Biên tập tài liệu.
– Vệ sĩ/Bảo vệ.
– Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại.
– Xử lý các vấn đề tài chính, thuế.
– Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô
– Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất.
– Lái xe.
– Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển.
– Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí.
– Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay.
Nếu bên thuê lại lao động thuê lại lao động không thuộc những nghề trên thì có thể bị phạt 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
4.3 Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động mà pháp luật không cho phép thay thế
Pháp luật không cho phép người sử dụng lao động thuê lại lao động thay thế người lao động trong các trường hợp sau:
– Người lao động đình công, giải quyết tranh chấp; hoặc
– Người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập
Nếu vi phạm có thể bị phạt 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
4.4 Bên thuê lại chuyển người lao động sang cho người sử dụng lao động khác
Chuyển người lao động được cho thuê lại cho người sử dụng lao động khác được xem như là một hành vi cho thuê lại lao động lần hai. Người thuê lại lao động không có thẩm quyền chuyển người lao động sang cho bên khác. Hành vi này là vi phạm hợp đồng với bên cho thuê lại lao động cũng như vi phạm pháp luật
4.5 Sử dụng người lao động từ bên doanh nghiệp không được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Nếu bên thuê lại biết bên cho thuê lại lao động không có giấy phép mà vẫn cố ý thuê lại lao động của doanh nghiệp này thì sẽ vi phạm pháp luật. Bên thuê lại có thể bị phạt 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Trên đây là những giải đáp về những hành vi bị cấm của bên thuê lại lao động theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My