NHỮNG HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM THEO PHÁP LUẬT CƯ TRÚ

Việc quy định về vấn đề quản lý công dân sinh sống trên lãnh thổ bằng việc xác định chỗ ở của công dân đó để thuận tiện cho việc quản lý và theo dõi tình hình công dân sinh sống trên lãnh thổ của nước ta. Để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân thì pháp luật hiện hành đã đưa ra các quy định về những hành vi bị nghiêm cấm về cư trú theo Luật cư trú. Vậy nội dung của các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú theo Luật cư trú bao gồm những hành vi nào? WINLEGAL sẽ có trình bày với bạn trong bài viết dưới đây.

CƠ SỞ PHÁP LÝ: Luật Cư trú năm 2020

1. Cư trú là gì?

Trên cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 thì có quy định về khái niệm cư trú là: “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã)”.

2. Những hành vi bị nghiêm cấm về cư trú theo Luật cư trú

Trên cơ sở quy định của Điều 7 Luật Cư trú năm 2020 thì đã đưa ra các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú như sau:

Một, cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.

Nhà nước bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân sẽ bị xử lý nghiêm minh. Đồng thời thì quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Hai, lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Các hành vi lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị nghiêm cấm, bao gồm:

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật văn bản khác liên quan đến quy định về hộ khẩu mà làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;

– Đưa ra các quy định về hộ khẩu làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;

– Giải quyết trái quy định của pháp luật về cư trú hoặc từ chối giải quyết các yêu cầu về hộ khẩu của công dân làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;

– Ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập hộ khẩu.

Ba, đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

Trong đó việc môi giới, nhận hối lộ ở đây là việc mà người có thẩm quyền thực hiện việc môi giới, nhận hối lộ theo ý chí của mình hoặc thực hiện theo ý chí của bên đưa thì cũng thuộc các hành vi của pháp luật cấm để nhằm mục đích tránh các tình trạng cửa quyền, áp bức người dân.

Bốn, không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật. 

Có thể thấy đây là những hành vi thường được bắt gặp ở các cơ quan hành chính Nhà nước nói chung và các cơ quan pháp lý khác của nhà nước như cơ quan đăng ký cư trú. 

Những hành vi này của những chủ thể có thẩm quyền thực hiện nhằm mục đích nhận hối lộ, nhận tiền của người dân khi những cá nhân muốn thực hiện việc đẩy nhanh công việc đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú của mình. Chính vì sự mục nát của bộ máy các cơ quan có thẩm quyền nên đã thành tiền lệ để các chủ thể này thực hiện hoạt động tham ô, tham nhũng của mình. 

Năm, thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật

Để tránh tình trạng người có thẩm quyền sách nhiễu, hách dịch trong quá trình thực hiện việc đăng ký cư trú, nhà nước đã có những quy định rõ ràng về trình tự thủ tục cũng như lệ phí. Lệ phí đăng ký cư trú là khoản thu đối với người đăng ký với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú theo quy định của pháp luật về cư trú. 

Sáu, tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú. 

Bảy, cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật. Là hành vi của những người có thẩm quyền thực hiện việc cấp hoặc không cấp các giấy tờ, tài liệu cho cá nhân người đăng ký cư trú không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Những hành vi trái pháp luật này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Tám, lợi dụng việc thực hiện quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là việc mà pháp luật cấm áp dụng dành cho những đối tượng là công dân được tự do cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại lợi dụng quyền này để trục lợi của Nhà nước hay các tổ chức cá nhân khác.

Chín, làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú. Việc cá nhân không trung thực trong các hoạt động khai báo về các loại giấy tờ tài liệu thật về nơi cư trú gây ảnh hưởng đến hoạt động quản lý và truy bắt tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Mười, tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú. Tất cả các hành vi này theo như quy định của pháp luật hiện hành đều là các hành vi gây rối an ninh trật tự. Đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan đăng ký cư trú.

Mười một, đồng ý cho người khác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó. Đây được xem là một trong các hành vi gian dối được quy định trong pháp luật cư trú, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý công dân đang sinh sống trên một địa phương mà cơ quan có thẩm quyền về việc quản lý cư trú của công dân.

Mười hai, giải quyết cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú khi biết rõ người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó. Hành vi này là một trong các hành vi được xem là thiếu trách nghiệm trong công tác quản lý và giám sát hoạt động cư trú của cơ quan có thẩm quyền đối với những công dân có quyền tự do lưu trú.

Mười ba, truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Việc một cá nhân thực hiện hành vi truy nhập, khai thác, hủy hoại, … như vừa được nêu theo như quy định của pháp luật hiện hành là các hành vi xâm phạm đến dữ liệu cư trú của quốc gia, điều này sẽ dẫn đến việc các cá nhân đó phải chịu trách nhiệm của mình dưới quy định của pháp luật hiện hành.

Trên đây là toàn bộ những hành vi bị cấm về cư trú theo Luật cư trú hiện hành. Nếu vi phạm thì căn cứ vào hành vi và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật. Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 09/10/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *