Nguyên tắc hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi

Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý; bị hạn chế về trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống, bản lĩnh…Do đó đây là đối tượng đặc biệt nên việc hỏi cung cũng sẽ áp dụng nguyên tắc hỏi khác so với bị can đã trưởng thành. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ làm rõ nguyên tắc hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015

2.Hỏi cung bị can là gì?

         Dưới góc độ khoa học điều tra tội phạm, hỏi cung bị can là “biện pháp điều tra được tiến hành nhằm thu thập lời khai của bị can về các tình tiết có liên quan đến vụ án, phục vụ công tác điều tra và xử lý đối với vụ án đó.

Từ định nghĩa trên có thể thấy: 

– Vị trí của hỏi cung bị can là một trong những biện pháp điều tra cơ bản của giai đoạn điều tra vụ án hình sự

– Mục đích của hỏi cung bị can là thu thập và mô tả theo trình tự tố tụng hình sự thật đầy đủ, chính xác, khách quan lời khai của bị can về vụ án hình sự, hành vi phạm tội của bị can cùng đồng bọn và những tin tức, tài liệu khác mà bị can biết có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra, xử lý vụ án và phòng ngừa phạm tội. 

– Việc hỏi cung sẽ do điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện.

3.Nguyên tắc hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi

        Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) thì khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền hỏi cung cần quán triệt và đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây:

      Một là, nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 414 BLTTHS. Theo đó, khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền hỏi cung cần phải:

– Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi;

– Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi;

– Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt;

– Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi;

– Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi;

– Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội;

– Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.

       Hai là, nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa được quy định tại Điều 7 BLTTHS. Đây là một trong những nguyên tắc hiến định đã được quán triệt trong mọi hoạt động Tố tụng hình sự của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Để đảm bảo nguyên tắc này, trong mọi trường hợp khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.

        Ba là, nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể được quy định tại Điều 10 BLTTHS. Theo đó, khi hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của bị can là người dưới 18 tuổi. Nguyên tắc này được đặt ra không chỉ đảm bảo việc xác định sự thật khách quan của vụ án mà còn ngăn ngừa các hành vi xâm phạm đến quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ.

        Bốn là, nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân… được quy định tại Điều 11 BLTTHS. Đây là nguyên tắc đã được ghi nhận tại các điều luật trong Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của Hiến pháp năm 2013. Trong quá trình hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền hỏi cung không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bị can như đánh đập, đe dọa, xúc phạm, hành hạ… Người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bị can thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

       Năm là, bảo đảm quyền bào chữa của bị can là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 16, Điều 422 BLTTHS. Theo đó, khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải có sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Trường hợp bị can không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì           Cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của BLTTHS. Trước khi hỏi cung bị can, Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can là người dưới 18 tuổi thực hiện đầy đủ các quyền này theo quy định của BLTTHS.

      Sáu là, đảm bảo nguyên tắc tiếng nói và chữ viết dùng trong Tố tụng hình sự được quy định tại Điều 29 BLTTHS. Theo quy định trên, trong quá trình hỏi cung bị can, ngôn ngữ chính thức dùng trong hoạt động hỏi cung bắt buộc là phải bằng tiếng Việt. Nếu bị can là người dưới 18 tuổi không sử dụng được tiếng Việt như bị can là người dân tộc thiểu số, người nước ngoài… thì họ có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần có người phiên dịch.

Trên đây là những giải đáp về nguyên tắc hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *