Hoạt động lấy lời khai của đương sự (ĐS), người làm chứng tạo tiền đề để Tòa án nhân dân (TAND) ban hành các phán quyết một cách đúng đắn, toàn diện và phù hợp với sự thật khách quan của vụ việc dân sự (VVDS) cần giải quyết. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về hoạt động này trong bài viết dưới đây nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
1. LẤY LỜI KHAI CỦA ĐƯƠNG SỰ, NGƯỜI LÀM CHỨNG LÀ GÌ?
Lấy lời khai của ĐS, người làm chứng trong TTDS là hoạt động của Tòa án trong việc phát hiện, tìm ra các chứng cứ, tập hợp đưa vào hồ sơ VVDS thông qua lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm nghiên cứu, đánh giá, sử dụng khi giải quyết vụ việc.
2. QUY ĐỊNH VỀ LẤY LỜI KHAI CỦA ĐƯƠNG SỰ
– Thứ nhất, về điều kiện lấy lời khai.
- Khoản 1 Điều 98 BLTTDS 2015 quy định: “Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng”.
- BLTTDS khẳng định Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của ĐS trong 02 trường hợp: (i) ĐS chưa có bản khai hoặc nội dung của bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng; (ii) ĐS không thể tự viết được bản khai.
- Khi tiến hành lấy lời khai của ĐS, Thẩm phán cần tập trung làm rõ những điểm mà ĐS trình bày chưa rõ, những mâu thuẫn trong chính bản khai của ĐS hoặc những điểm mâu thuẫn giữa bản khai của ĐS này với bản khai của ĐS khác, giữa bản khai của ĐS với lời khai của nhân chứng hoặc các tài liệu, chứng cứ có liên quan có trong hồ sơ nhằm làm rõ nội dung cơ bản của vụ án và phù hợp với sự thật khách quan.
– Thứ hai, về chủ thể thực hiện hoạt động lấy lời khai.
- BLTTDS 2015 quy định thẩm quyền lấy lời khai của ĐS thuộc về Thẩm phán. Thẩm phán có thể tự mình tiến hành ghi biên bản hoặc thư ký Tòa án giúp Thẩm phán ghi lại lời khai của ĐS vào biên bản.
- Trường hợp với lý do công tác hoặc trở ngại khách quan, Thẩm phán có thể giao cho Thư ký Tòa án tiến hành lấy lời khai nếu được ĐS đồng ý.
– Thứ ba, về địa điểm lấy lời khai
- Việc lấy lời khai của ĐS thường được Thẩm phán thực hiện tại trụ sở Toà án. Trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của ĐS ngoài trụ sở Toà án. Thuật ngữ “trường hợp cần thiết” được hiểu là tại thời điểm đó đương sự mới sinh con, bị ốm đau, đang bị giam giữ…
- Việc lấy lời khai của ĐS ngoài trụ sở Toà án phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Uỷ ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan tổ chức nơi Thẩm phán lập biên bản lấy lời khai.
3. QUY ĐỊNH VỀ LẤY LỜI KHAI CỦA NGƯỜI LÀM CHỨNG
– Thứ nhất, về điều kiện lấy lời khai
- Theo khoản 1 Điều 99 BLTTDS 2015, việc lấy lời khai của người làm chứng xuất phát từ yêu cầu của ĐS hoặc khi xét thấy cần thiết Thẩm phán tiến hành.
- Trường hợp Thẩm phán lấy lời khai của người làm chứng theo yêu cầu của ĐS thì trước khi áp dụng biện pháp này, Thẩm phán phải xem xét đủ các điều kiện để thu thập chứng cứ theo yêu cầu của ĐS mới tiến hành lấy lời khai của người làm chứng.
- Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có quyền chủ động tiến hành lấy lời khai của người làm chứng dù ĐS không có yêu cầu. Được coi là “cần thiết” nếu việc lấy lời khai của người làm chứng góp phần làm cho việc giải quyết VVDS được chính xác, công bằng, đúng pháp luật và bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên ĐS.
- Lời khai của người làm chứng phải được đánh giá với các chứng cứ khác nhằm đảm bảo tính xác thực của chứng cứ và phù hợp với sự thật.
– Thứ hai, về thủ tục lấy lời khai của người làm chứng
- Điều 99 BLTTDS 2015 quy định tương tự như thủ tục lấy lời khai của ĐS tại khoản 2 Điều 98 nhưng trước khi lấy lời khai của người làm chứng, Thẩm phán phải giải thích về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu người làm chứng cam đoan về lời khai của mình.
- Việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó theo khoản 3 Điều 99.
Trên đây là những nội dung cần thiết về hoạt động lấy lời khai của đương sự, người làm chứng trong tố tụng dân sự, WINLEGAL chia sẻ đến bạn đọc. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 16/10/2023