Hỏi cung bị can: Đặc điểm, nhiệm vụ hỏi cung

 Hỏi cung bị can là một trong những biện pháp quan trọng trong giai đoạn điều tra vụ án. Bởi nó góp phần tìm ra sự thật của vụ án hình sự. Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật Winlegal sẽ tìm hiểu về hỏi cung bị can, đặc điểm và nhiệm vụ hỏi cung theo quy định của pháp luật.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015

2.Hỏi cung bị can là gì?

         Dưới góc độ khoa học điều tra tội phạm, hỏi cung bị can là “biện pháp điều tra được tiến hành nhằm thu thập lời khai của bị can về các tình tiết có liên quan đến vụ án, phục vụ công tác điều tra và xử lý đối với vụ án đó.

Từ định nghĩa trên có thể thấy: 

– Vị trí của hỏi cung bị can là một trong những biện pháp điều tra cơ bản của giai đoạn điều tra vụ án hình sự

– Mục đích của hỏi cung bị can là thu thập và mô tả theo trình tự tố tụng hình sự thật đầy đủ, chính xác, khách quan lời khai của bị can về vụ án hình sự, hành vi phạm tội của bị can cùng đồng bọn và những tin tức, tài liệu khác mà bị can biết có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra, xử lý vụ án và phòng ngừa phạm tội. 

– Việc hỏi cung sẽ do điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện.

3.Đặc điểm của hỏi cung bị can

 Biện pháp điều tra này gồm có ba đặc trưng sau:

       Tính phổ biến: Trong quá trình điều tra, hỏi cung bị can là bắt buộc theo luật định, được áp dụng trong mọi vụ án và lời khai có bị can có vai trò quan trọng trong việc điều tra nói chung. Vì nhiều lý do như là vấn đề sức khỏe của bị can, lời khai của bị can gian dối không thống nhất… dẫn đến việc hỏi cung phải diễn ra hỏi nhiều lần.

     Tính phức tạp cao: Nhiều bị can có tâm lý luôn muốn che dấu hành vi phạm tội của mình trong quá trình hỏi cung nhằm thoát tội khiến việc điều tra đi bị đi lệch hướng khỏi vụ án. Xuất phát từ đặc điểm nhân thân của các bị can, hành vi mà các bị can thực hiện trên thực tế là rất đa dạng. Mặt khác, trong quá trình hỏi cung, tâm lý hỏi cung của bị can và điều tra viên là hoàn toàn trái ngược nhau. Hai bên cùng tham gia vào cùng một hoạt động nhưng lại hướng tới hai mục đích khác nhau, một bên thì muốn tìm ra sự thật vụ án, một bên lại muốn trốn tội hoặc được giảm nhẹ tội. Đây là một quá trình đấu tranh tâm lý rất gay go và phức tạp. 

       Tính hiệu quả: Vì bị can sở hữu nhiều nhất, đầy đủ về vụ án, do đó thông qua hoạt động hỏi cung bị can điều tra viên có thể tìm ra chứng cứ, làm rõ hành vi phạm tội hoặc làm rõ tội phạm khác, hoạt động của các băng nhóm khác trên địa bàn. Ngoài ra thông qua hoạt động hỏi cung bị can còn có thể giáo dục, cảm hóa bị can giúp bị can nhận ra hành vi phạm tội của mình, hợp tác để được khoan hồng. Trong quá trình xét xử có thể được giảm nhẹ tội hơn; khi thi hành án chấp hành tốt thì được ra tù sớm. Việc hợp tác của bị can cũng giúp việc giải quyết vụ án được mau chóng và thuận lợi hơn. 

4.Nhiệm vụ hỏi cung bị can

Trong quá trình hỏi cung bị can cần giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau:

        Thứ nhất, thu thập, kiểm tra, củng cố chứng cứ để làm rõ nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can và các đồng phạm khác. Là chủ thể của tội phạm, bị can là chủ sở hữu một lượng thông tin tương đối lớn về vụ án. Hơn ai hết, bị can biết rất rõ về toàn bộ quá trình chuẩn bị, thực hiện và che giấu hành vi phạm tội, những mục đích, động cơ đã thúc đẩy bị can phạm tội; những công cụ, phương tiện, những phương pháp, thủ đoạn đã được bị can sử dụng khi thực hiện hành vi đó; những tài sản đã chiếm đoạt được, nơi cất giấu chúng … Vì vậy, khi hỏi cung bị can, điều tra viên cần phải áp dụng mọi biện pháp, chiến thuật mà pháp luật cho phép để có thể thu thập được tất cả những thông tin mà bị can biết, có liên quan đến vụ án nhằm làm rõ nội dung của vụ án, hành vi phạm tội của bị can, lập hồ sơ đề nghị xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

      Thứ hai, phát hiện những đồng phạm khác để kịp thời truy bắt, phát hiện những vật chứng còn cất giấu để kịp thời thu giữ, phát hiện những âm mưu và hành động chuẩn bị hay đang gây án để kịp thời ngăn chặn. Khi có căn cứ để nhận định trong vụ án đó, ngoài bị can còn có những đối tượng khác cùng tham gia thực hiện tội phạm, điều tra viên cần nhanh chóng thu thập lời khai của bị can về đặc điểm của đối tượng còn lại, hướng rút chạy, nơi ẩn náu của chúng để kịp thời truy bắt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, xử lý vụ án. Đối với những vật chứng của vụ án còn chưa được phát hiện và thu giữ, điều tra viên cần thu thập thông tin về đặc điểm của chúng, nơi cất giấu, thủ đoạn cất giấu để tiến hành thu giữ, kịp thời, sử dụng làm chứng cứ trong vụ án hoặc phục vụ cho việc thi hành án sau này.Thực tế điều tra cho thấy, bị can của vụ án đang điều tra thường biết những thông tin có liên quan đến những đối tượng phạm tội khác hay ổ nhóm phạm tội khác, những âm mưu, kế hoạch chuẩn bị gây án hay đang gây án của chúng. Do đó, khi hỏi cung bị can, điều tra viên cần thu thập những tài liệu về các đối tượng hay ổ nhóm phạm tội khác, kế hoạch chuẩn bị hoặc đang gây án của chúng để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại mà chúng có thể gây ra.

         Thứ ba, khai thác mở rộng nhằm làm rõ quá trình hoạt động phạm tội của bị can và đồng bọn, thu nhập những tài liệu để mở rộng hoạt động điều tra. Trong thực tế, các hành vi phạm tội thường xảy ra rất phức tạp, giữa chúng thường có những mối quan hệ qua lại, liên quan với nhau ở mức độ nhất định. Vì vậy, khi hỏi cung bị can cần chú ý thu thập những tài liệu để làm rõ mối liên hệ giữa các loại tội phạm, giữa các bị can trong cùng và khác ổ nhóm phạm tội, quá trình hoạt động tội phạm của chúng… Muốn giải quyết tốt nhiệm vụ này, điều tra viên cần thu thập và sử dụng triệt để những tài liệu về đặc điểm nhân thân của bị can, hoạt động quá khứ của bị can và những tài liệu thu thập được về những vụ án hình sự xảy ra trước đó chưa được điều tra khám phá, nhất là những vụ án có thủ đoạn gây án và đặc điểm nhận dạng của đối tượng gây án tương tự như thủ đoạn gây án quen thuộc và đặc điểm nhận dạng của bị can nhằm phát hiện các đầu mối mới các tội phạm khác ngoài phạm vi vụ án đang điều tra.

           Thứ tư, làm rõ những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm để đề xuất các biện pháp phòng ngừa. Phát hiện nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm để đề xuất các biện pháp phòng ngừa là một nhiệm vụ quan trọng của cơ quan điều tra. Để giải quyết nhiệm vụ này, khi tiến hành các biện pháp điều tra nói chung, hỏi cung bị can nói riêng, điều tra viên cần thu thập tài liệu để xác định nguyên nhân sâu xa của vụ án, động cơ mục đích phạm tội của bị can; các phương pháp, thủ đoạn mà bị can sử dụng khi thực hiện hành vi phạm tội…Trên cơ sở đó, làm rõ những sở hở, thiếu sót của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và đề xuất các biện pháp phù hợp để phòng ngừa, không cho các vụ án tương tự xảy ra

Trên đây là những giải đáp về hỏi cung bị can, đặc điểm và nhiệm vụ hỏi cung heo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *