CÔNG NHẬN LẪN NHAU TRONG THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ ASEAN

Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) tạo điều kiện cho thương mại dịch vụ thông qua việc thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về hoạt động công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ ASEAN trong bài viết dưới đây nhé.

1. KHÁI NIỆM VỀ HOẠT ĐỘNG CÔNG NHẬN LẪN NHAU TRONG THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ ASEAN

  • Khoản 1 Điều 17 ATISA 2019 quy định: “Công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ của ASEAN là hoạt động của quốc gia này công nhận trình độ  giáo dục hoặc kinh nghiệm nhận được; các tiêu chuẩn đã được thỏa mãn hoặc bằng cấp, chứng chỉ được cấp tại một quốc gia thành viên ASEAN khác để sử dụng cho mục đích cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận nhà cung cấp dịch vụ tại quốc gia thành viên đó”
  • Công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ ASEAN là hoạt động của quốc gia này công nhận các điều kiện để được cung cấp một dịch vụ nhất định theo quy định của quốc gia khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của quốc gia được công nhận tiếp cận với thị trường dịch vụ của quốc gia công nhận. 
  • Trong ASEAN, AFAS chính là cơ sở pháp lý tiền đề cho hoạt động công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ của ASEAN. Từ đó, các quốc gia thành viên ASEAN tiến hành đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể dưới hình thức song phương hoặc đa phương.

2. VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG CÔNG NHẬN LẪN NHAU TRONG THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ ASEAN

– Thứ nhất, thúc đẩy hoạt động tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

  • Hoạt động công nhận lẫn nhau của ASEAN hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận giữa các quốc gia, không bắt buộc bất kỳ một quốc gia thành viên ASEAN nào phải chấp nhận hoặc phải tham gia các hiệp định và thỏa thuận công nhận lẫn nhau. 
  • Các MRA cho phép các bằng cấp, chứng chỉ của những nhà cung cấp dịch vụ nghề nghiệp đến từ các quốc gia thành viên ASEAN được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền nước sở tại của họ cũng được công nhận tại các quốc gia thành viên khác. 
  • Điều này góp phần cắt giảm chi phí, thời gian, công sức của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, của cơ quan quản lý ngành nghề và của quốc gia tiếp nhận dịch vụ, đồng thời tạo ra cơ sở pháp lý để các nhà cung cấp dịch vụ có thể tiến hành cung cấp dịch vụ tại một quốc gia khác. 
  • Trong bối cảnh xu hướng hiện nay, khi các rào cản đối với mở cửa thị trường đã có sự thay đổi từ các biện pháp biên giới cho đến các chính sách nội địa thì sự thừa nhận lẫn nhau ngày càng được coi là một công cụ hiệu quả hỗ trợ cho hoạt động tự do hóa thương mại khi mà sự hài hòa hoặc tương đồng pháp luật không đạt được. 

– Thứ hai, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng nhà cung cấp dịch vụ tại các quốc gia tham gia ký kết.

  • Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài thường lựa chọn giải pháp hợp tác với các công ty trong nước hoặc các chuyên viên trong nước trong bước đầu phát triển công ty của mình ở một thị trường mới và chưa có nhiều kinh nghiệm. 
  • Việc ký kết các MRA có thể góp phần thiết lập các hình thức hợp tác chặt chẽ giữa những chuyên viên đến từ các nước đối tác. Điều này mang lại 6 nhiều lợi ích cho các quốc gia thực hiện ký kết các MRA, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi cũng như nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia phát triển. 

– Thứ ba, các thỏa thuận công nhận lẫn nhau có thể được sử dụng như một công cụ hữu hiệu nhằm giải quyết sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong thị trường cung cấp dịch vụ nội địa, đồng thời tăng cường sự cạnh tranh và đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở những thị trường đã trở nên bão hòa và trì trệ. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thông qua ký kết các MRA sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tốt và bổ sung cho các quốc gia đang thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trong nước bằng việc tuyển dụng nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp từ các quốc gia khác. 

– Thứ tư, các MRA đưa ra một biện pháp với mục đích giảm chi phí thâm nhập vào trong thị trường dịch vụ nước ngoài bằng việc giúp các nhà cung cấp dịch vụ thoát khỏi gánh nặng của giám sát, kiểm tra tại thị trường trở thành mục tiêu cung cấp dịch vụ.

  • Điều này tạo thuận lợi cho các biện pháp mà trong đó họ có thể đưa ra các bằng chứng xác nhận rằng đã hoàn thành các điều kiện đó, từ đó có thể được cấp phép về trình độ chuyên môn trong thị trường của nước sẽ thực hiện cung cấp dịch vụ. 
  • Bên cạnh đó, các MRA là một cách để cắt giảm chi phí giao dịch, đưa ra một biện pháp gián tiếp cần thiết nhằm vận hành các cam kết cửa thị trường, vốn thường xuyên được lập ra trong bối cảnh của đề xuất về một sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn hoặc hướng tới sự tự do hóa thương mại mạnh mẽ hơn.

Trên đây là những thông tin chi tiết về hoạt động công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ ASEAN, WINLEGAL vừa chia sẻ với các bạn. Bạn có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 12/10/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *