Con riêng có được hưởng di sản thừa kế?

Câu hỏi: Bố tôi vừa mất thì có một bạn nam đến nhà tôi nhận là con riêng của bố tôi. Gia đình chúng tôi rất bất ngờ vì không biết cậu ấy là ai và chúng tôi cũng chưa từng nghe bố tôi nói về việc ông có một đứa con riêng. Bố tôi mất có để lại cho chúng tôi một ít đất và một số tài sản khác và bố tôi không có để lại di chúc. Vậy tôi muốn hỏi người con riêng này của bố tôi có được chia tài sản thừa kế như chúng tôi không? Mong luật sư giải đáp.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Công ty Luật Winleagl xin được giải đáp câu hỏi của bạn như sau.

1. Cơ sở pháp lý

2. Di sản thừa kế là gì?

Di sản thừa kế là tài sản của người chết (người để lại di sản thừa kế) để lại cho người khác sau khi người để lại di sản chết, di sản thừa kế bao gồm:

– Tài sản riêng của người chết;

– Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Phần di sản này sẽ được định đoạt sau khi người để lại di sản thừa kế chết theo hai hình thức: Theo di chúc hoặc được chia theo pháp luật.

Theo di chúc: Người để lại di sản thừa kế có lập di chúc hợp pháp để lại tài sản của mình cho người khác (có thể là bất cứ ai theo ý muốn cả người để lại di sản thừa kế).

Theo pháp luật: Khi không có di chúc, có di chúc nhưng không hợp pháp hoặc một phần di chúc không hợp pháp… thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó, pháp luật sẽ chia thừa kế căn cứ theo hàng thừa kế.

3. Giải quyết tình huống 

Trước tiên gia đình cần phải đi làm giám định quan hệ cha con giữa bạn nam đó và bố của bạn.

Trường hợp 1: Kết quả giám định xác nhận hai người không có quan hệ cha con thì đương nhiên bạn nam đó không được hưởng di sản thừa kế do bố bạn để lại. 

Trường hợp 2: Kết quả giám định khẳng định bạn nam đó và là con ruột của bố bạn thì

Theo khoản 1 Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”.

Do đó việc bạn nam ấy về nhận bố ruột là hoàn toàn hợp pháp.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình 2014, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình.

Bên cạnh đó bố bạn mất không để lại di chúc nên phần di sản của bố bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 625 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế theo pháp luật như sau:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Theo quy định trên, pháp luật không phân biệt con riêng hay con trong thời kì hôn nhân đều được hưởng di sản thừa kế. Con sẽ được hưởng di sản của người mất nếu con có quan hệ huyết thống với người để lại di sản thừa kế.

Như vậy, trong trường hợp này bạn nam kia được xác định là con ruột của bố bạn thì bạn nam đó sẽ được hưởng di sản do bố bạn để lại giống như bạn.

4. Một số câu hỏi khác liên quan đến di sản thừa kế

Câu 1: Mọi trường con đều được hưởng di sản thừa kế do cha/mẹ để lại?

Không phải mọi trường hợp con cũng sẽ được hưởng di sản thừa kế do cha/mẹ để. Nếu thuộc một trong những trường hợp sau con sẽ không được hưởng di sản thừa kế: 

– Con bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

– Con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

– Con bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng

– Con có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Câu 2: Di chúc có những loại hình thức nào?

Di chúc được lập dưới hai hình thức:

Thứ nhất, di chúc miệng

Khi tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Thứ hai, di chúc bằng văn bản

Di chúc bằng văn bản lại được chia thành: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng và di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Theo hai hình thức trên thì để di chúc hợp pháp thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về vấn đề con riêng có được chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 05/03/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *