Bộ luật Dân sự 2015 đã bổ sung quy định về ba quyền: Quyền đối với bất động sản liền kề; quyền hưởng dụng và quyền bề mặt. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về căn cứ xác lập quyền bề mặt trong bài viết dưới đây nhé.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Mục lục
1. Khái niệm quyền bề mặt
- Quyền bề mặt được xác định là một quyền mới tại BLDS 2015, bởi lẽ BLDS 1999 và 2005 chưa hề có quy định về quyền năng này.
- Điều 267 BLDS 2015 quy định: “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất thuộc về chủ thể khác”. Pháp luật Việt Nam quy định phạm vi quyền bề mặt bao gồm: mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất. Đây là khái niệm theo nghĩa rộng. Theo đó, chủ thể quyền bề mặt không những có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước mà còn có quyền khai thác, sử dụng lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác.
2. Căn cứ xác lập quyền bề mặt
Việc xác lập quyền bề mặt cũng như bất kỳ quyền năng nào trong các quyền khác đối với tài sản đều được pháp luật quy định cụ thể. Căn cứ xác lập quyền bề mặt được quy định tại Điều 268 BLDS 2015: “Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của Luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc”.
2.1 Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của Luật
- Tuy có điều luật về căn cứ xác lập quyền bề mặt theo Luật định nhưng BLDS 2015 lại không có cụ thể điều luật nào quy định trường hợp nào là xác lập theo pháp luật.
- Nếu nhìn nhận đây là quyền của chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian phía trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc sở hữu của chủ thể khác thì một số luật khác của Việt Nam đã có quy định từ trước. Ví dụ: Điều 183 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền các chủ thể sử dụng đất được xác lập trên cơ sở Nhà nước cho thuê đất cũng như thu tiền thuê đất hàng năm mang đặc điểm pháp lý của quyền bề mặt.
2.2 Quyền bề mặt xác lập theo thỏa thuận
Ngoài trường hợp được xác lập theo luật định (theo ý chí Nhà nước) thì ý chí của chủ thể cũng là một căn cứ để xác lập quyền bề mặt. Khi hai chủ thể thống nhất thông qua thỏa thuận thì quyền bề mặt được xác lập. Bản chất thỏa thuận là một trái quyền nhưng lại phát sinh một vật quyền mới.
2.3 Quyền bề mặt xác lập theo di chúc
- Để một chủ thể có quyền bề mặt thì phải có sự cho phép của chủ sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu xét đến trường hợp chủ sử dụng đất rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo dẫn đến việc sắp chết mà người này muốn trao quyền bề mặt cho người khác không thông qua thừa kế thì có thể xác lập dựa trên ý chí đơn phương thể hiện bằng một di chúc.
- Như vậy, ngoài việc được xác lập theo quy định của pháp luật, quyền bề mặt được xác lập theo thỏa thuận giữa chủ đất và người có quyền bề mặt, hoặc giữa người có quyền bề mặt với người khác trong trường hợp quyền bề mặt được chuyển giao. Hoặc quyền bề mặt của một người cũng có thể được xác lập dựa trên thừa kế từ người có quyền bề mặt trước đó, nghĩa là căn cứ trên một hành vi pháp lý đơn phương.
Trên đây là nội dung về căn cứ xác lập quyền bề mặt, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 04/11/2023