AI LÀ NGƯỜI CÓ QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT?

Hiện nay có rất nhiều người hiểu rằng đất đai mà mình đang đứng tên trên sổ đỏ là đất đai thuộc quyền sở hữu của mình. Vậy cách hiểu ai là người đứng tên trên sổ đỏ sẽ là người có quyền sở hữu đối với mảnh đất đó có đúng theo quy định cuả pháp luật. Nếu không đúng thì chủ thể nào có quyền sở hữu đất. Trong phạm vi bài viết này, công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi: Ai là người có quyền sở hữu đất đai?

I. Cơ sở pháp lý

  • Hiến pháp 2013
  • Luật đất đai 2013
  • Bộ luật dân sự 2015
  • Thông tư 14/2012/TT-BTNMT về Quy định kỹ thuật điều tra thoái hóa đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

II. Đất đai là gì?

Đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội như: thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của con người (khoản 2 Điều 4 Thông tư số 14/2012/TT-BTNMT).

III. Thế nào là quyền sở hữu?

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật (điều 158 Bộ luật dân sự 2015).

Trong đó:

– Quyền chiếm hữu là quyền mà chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

– Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

– Quyền định đoạt quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.

Như vậy, chủ thể phải có đầy đủ 3 quyền đó là quyền chiếm hữu, quyền định đoạt, quyền sử dụng đối với tài sản thì tài sản đó mới thuộc quyền sở hữu của chủ thể.

IV. Ai là người có quyền sở hữu đất đai

Căn cứ Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 quy định về sở hữu đất đai như sau:

‘“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

Căn cứ vào Điều 197 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:

“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Như vậy, theo quy định của hiến pháp, bộ luật dân sự, luật đất đai thì quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân và Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu để thực hiện chức năng quản lý lãnh thổ của mình một cách toàn diện. 

Do nhà nước là chủ thể đại diện chủ sở hữu nên nhà nước có đầy đủ ba quyền năng đối với đất đai quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng. Từ đó, nhà nước có quyền Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; Quyết định mục đích sử dụng đất; Quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; Quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; Quyết định giá đất; Quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; Quyết định chính sách tài chính về đất đai; Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Có thể thấy trong thực tế có rất nhiều người không biết điều này, họ vẫn cho rằng mình có quyền sở hữu đối với mảnh đất mà mình đứng tên. Tuy nhiên, như phân tích ở trên đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân chứ không thuộc sở hữu của bất kỳ ai. Vậy người dân có quyền gì đối với đất đai?

Căn cứ Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 quy định về sở hữu đất đai:

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

Theo quy định trên thì người dân chỉ có quyền sử dụng đất đai và hưởng lợi ích từ việc khai thác quyền trên chứ không có quyền chiếm hữu và định đoạt đối với đất đai. Điều này được thể hiện rất rõ trên sổ đỏ. Tiêu đề trên sổ đỏ đã ghi rõ là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” chứ không phải là “giấy chứng nhận quyền sở hữu đất”.

Trên đây là những giải đáp về câu hỏi ai là chủ thể có quyền sở hữu đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 12/12/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *