Nhà nước có thể áp dụng ưu đãi đầu tư trong chính sách thuế; tín dụng, chính sách sử dụng đất đai và tài nguyên, chính sách xuất khẩu và nhập khẩu, cùng với các ưu đãi khác. Căn cứ vào quy hoạch và định hướng phát triển trong từng thời kì. Chính phủ quy định danh mục ngành và nghề của từng lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư, các tiêu chuẩn về trình độ công nghệ và quy mô sử dụng lao động, cùng với quy định các mức ưu đãi đầu tư cụ thể. Trong bài viết này, Winlegal sẽ chia sẻ với các bạn những kiến thức về ưu đãi đầu tư là gì? Quy định về ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư.
Mục lục
1. Căn cứ pháp lý về ưu đãi đầu tư
- Luật đầu tư 2020
- Nghị định 31/2021 hướng dẫn luật đầu tư
2. Nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư
Căn cứ điều khoản 3 4 6 7 điều 15 Luật đầu tư 2020 và điều 20 Nghị định 31/2021/ND-CP hướng dẫn luật đầu tư như sau:
- Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt hó
- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng ) và dự án đầu tư sử dụng 30% số thường xuyên bình quân hằng năm trở lên là người lao động là người khuyết tật được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
- Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán và đất đai.
- Đối với dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau trong cùng một thời gian thì nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
- Ưu đãi đầu tư được áp dụng có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư.
Xem thêm: Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo Luật Đầu Tư
3. Hình thức ưu đãi đầu tư
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
- Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
4. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
Căn cứ khoản 2 Điều 15 Luật đầu tư và điều 19 Nghị định 31/2021/ND-CP quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư gồm:
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định này.
- Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục III của Nghị định này
- Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên với điều kiện:
- Thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);
- Có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng từ 3.000 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu.
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật trong đó:
- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng);
- Dự án đầu tư sử dụng từ 30% số lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và pháp luật về lao động.
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo gồm:
- Sản xuất sản phẩm hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, phần mềm máy tính, ứng dụng trên điện thoại di động, điện toán đám mây; sản xuất dòng, giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới; tiến bộ kỹ thuật đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
- Sản xuất sản phẩm được tạo ra từ các dự án sản xuất thử nghiệm, sản phẩm mẫu và hoàn thiện công nghệ; sản xuất sản phẩm đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, các giải thưởng về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về giải thưởng khoa học và công nghệ;
- Dự án của các doanh nghiệp hoạt động tại các Trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
- Sản xuất sản phẩm công nghiệp văn hoá hình thành từ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng các điều kiện sau:
- Có ít nhất 80% số doanh nghiệp tham gia là doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Có ít nhất 10 địa điểm phân phối hàng hoá đến người tiêu dùng;
- Tối thiểu 50% doanh thu của chuỗi được tạo ra bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trong chuỗi.
- Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thể bạn quan tâm: Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư
5. Các dự án đầu tư không được áp dụng chính sách ưu đãi
- Dự án đầu tư khai thác khoáng sản;
- Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ dự án sản xuất ô tô, tàu bay, du thuyền;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trên đây, chúng tôi vừa trình bày với các bạn những điểm chính trong quy định về ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư. Các bạn có thể tham khảo thêm khi cần. Mọi vấn đề thắc mắc liên quan đến lưu đãi đầu tư cũng như nhu cầu tư vấn pháp lý, tư vấn đầu tư, tố tụng…quý khách vui lòng liên hệ Hotline của Luật Winlegal 0246.29.33.222 để được hỗ trợ giải đáp miễn phí.