QUY TRÌNH ĐẤU GIÁ TÀI SẢN TRỰC TUYẾN NĂM 2023

Hiện nay, hoạt động đấu giá tài sản rất phổ biến nhưng chưa thực sự hiệu quả và đúng quy chuẩn. bởi lẽ trong quá trình vận hành còn tiềm ẩn nhiều hành vi phạm pháp như cấu kết, tranh giành tài sản, trục lợi cá nhân.

Để chuyên nghiệp hoá và tránh bị thâm hụt ngân sách Nhà nước thì các hình thức đấu giá đang được áp dụng đa dạng, linh hoạt trong phiên đấu giá.

Sau đây, Công ty Luật Winlegal sẽ trình bày nội dung quy trình đấu giá tài sản trực tuyến năm 2023 theo đúng quy định pháp luật, gửi đến quý khách tham khảo thêm.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Đấu giá tài sản 2016;
  • Nghị định 62/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu giá tài sản mới nhất;
  • Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;
  • Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.

    1.Quy trình cấp phép tổ chức đấu giá trực tuyến

Căn cứ Điều 14 Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định về việc thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá đối với các tổ chức đấu giá như sau:

Bước 1 Tổ chức đấu giá (TCĐG) lập Đề án xây dựng một hệ thống đấu giá trực tuyến chi tiết, trình bày đầy đủ bao gồm bộ máy nhân sự, bảo mật thông tin, sever, phần mềm, website…
Bước 2 TCĐG gửi Đề án đến Sở Tư pháp (nơi TCĐG có trụ sở)
Bước 3 Giám đốc Sở Tư pháp quyết định

–       Thành lập Hội đồng thẩm định điều kiện thực hiện hình thức này và;

–       Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.

Bước 4 Nếu Đề án đủ điều kiện các nội dung sau đây TCĐG sẽ được cấp phép hoạt động tổ chức đấu giá trực tuyến.

–       Cơ sở pháp lý và sự cần thiết phải thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến;

–       Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân sự vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến;

–       Tính an toàn, bảo mật của hệ thống đấu giá trực tuyến;

–       Tính năng hiển thị, ghi nhận, lưu giữ, trích xuất của hệ thống đấu giá trực tuyến;

–       Phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật;

–       Tính khả thi, hiệu quả của việc triển khai hệ thống đấu giá trực tuyến trong thực tiễn.

Bước 5 Sau khi TCĐG được cấp phép hoạt động hình thức đấu giá trực tuyến

–       Danh sách TCĐG đủ điều kiện sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp và Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

–       Đăng ký website đấu giá trực tuyến trên Bộ Công Thương theo Khoản 1 Điều 46 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

2. Quy trình bán đấu giá trực tuyến

Quy định về trình tự thực hiện cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được căn cứ tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Nghị định 62/2017/NĐ-CP như sau:

Bước 1 TCĐG đăng tải Quy chế lên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
Bước 2 TCĐG cấp tài khoản truy cập; hướng dẫn cách truy cập, cách trả giá, và những nội dung cần thiết khác trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến cho người đã đăng ký tham gia đấu giá.
Bước 3 Người tham gia đấu giá dùng tài khoản của mình để trả giá theo phương thức đấu giá từ thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá đến thời điểm kết thúc đấu giá. Trong đó, bước giá đã được công bố.
Bước 4 Xác định người trúng đấu giá trực tuyến tại thời điểm kết thúc cuộc đấu giá:

–       Là người trả giá cao nhất bằng phương thức trả giá lên được hệ thống ghi nhận tại thời điểm kết thúc việc trả giá;

–       Là người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc giá đã giảm bằng phương thức trả giá xuống được hệ thống ghi nhận.

Bước 5 Công bố người trúng đấu giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến và thông báo kết quả cho người trúng đấu giá ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc. Đồng thời, lập biên bản đấu giá phải có các chữ ký sau:

–       Đấu giá viên;

–       Thành viên đại diện cho Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng;

–       Người ghi biên bản;

–       Người có tài sản đấu giá;

–       Người trúng đấu giá;

–       Chủ tịch Hội đồng (nếu cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện).

Thông báo kết quả đấu giá trực tuyến được quy định tại Điều 11 Nghị định 62/2017/NĐ-CP.

Biên bản cuộc đấu giá trực tuyến được quy định tại Điều 12 Nghị định 62/2017/NĐ-CP.

Bước 6 Công khai kết quả cuộc đấu giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến và gửi email cho người đã đăng ký tham gia đấu giá.

Dù quy trình còn nhiều bất cập nhưng đấu giá trực tuyến đã hạn chế được rất nhiều tồn tại cần khắc phục trong việc đấu giá tài sản.

Ngoài ra, việc vận hành đấu giá trực tuyến đã góp phần làm cho hệ thống đấu giá được công khai, minh bạch, hiệu quả hơn. Bởi toàn bộ danh tính người tham gia được bí mật, giá cả được niêm yết rõ ràng, hiển thị trên màn hình và được kiểm soát chặt chẽ trong phiên giao dịch. Sau đó, hệ thống tự động ngắt kết nối, đóng phiên khi hết giờ.

Có thể thấy đấu giá trực tuyến là điểm sáng trong thời đại công nghệ 4.0 đang được nhà nước hoàn thiện và vận hành.

Trong phạm vi nhỏ bé của bài viết, Công ty Luật Winlegal xin được gửi đến quý khách hàng những thông tin cơ bản về quy trình đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến. Hi vọng qua đó sẽ phổ biến được những thông tin hữu ích tới quý độc giả. Mọi nhu cầu hỗ trợ về pháp lý xin vui lòng liên hệ:

 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222

ĐỖ PHÙNG MỸ CHÂU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *