Công ty hợp danh

CÔNG TY HỢP DANH

Công ty hợp danh là một trong những loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam (quy định theo Luật Doanh nghiệp 2020). Công ty hợp danh là gì? Điểm khác biệt giữa công ty hợp danh và các loại hình doanh nghiệp khác như thế nào? Thủ tục thành lập công ty hợp danh ra sao? Mời quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Winlegal để biết thêm thông tin.

Hiện nay, tại Việt Nam, loại hình doanh nghiệp: Công ty hợp danh đang ngày càng phổ biến, mở rộng. 

I. CÔNG TY HỢP DANH LÀ GÌ? 

1. Khái niệm của công ty hợp danh

Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp mà trong đó chủ sở hữu chung của công ty phải có ít nhất 02 thành viên. Chủ sở hữu chung của công ty sẽ cùng nhau hoạt động kinh doanh dưới tên chung của doanh nghiệp.

2. Đặc điểm

– Thành viên công ty gồm: Thành viên hợp danh và Thành viên góp vốn. 

  • Đối với thành viên hợp danh:

Có thể hiểu đây là những thành viên cốt cán của công ty, cùng nhau thành lập công ty dựa trên sự tin tưởng, mối quan hệ thân thiết giữa các bên với nhau. Điều 177, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;”. Thành lập công ty và thực hiện góp vốn của thành viên hợp danh phải được thực hiện bởi cá nhân. Nói cách khác là chỉ có cá nhân mới có thể trở thành thành viên hợp danh của loại hình doanh nghiệp này. Về nghĩa vụ tài chính, thành viên hợp danh sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Đặc điểm này giống với nghĩa vụ của loại hình doanh nghiệp tư nhân, quy định tại Điều 188, Luật Doanh nghiệp 2020: “ Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.”

Tại Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.” Có thể thấy rằng, đối tượng tham gia trong nhóm thành viên này bao gồm: cá nhân và tổ chức. Cá nhân và tổ chức khi tham gia góp vốn sẽ có quyền góp vốn trong một mức vốn hợp lý, tùy thuộc vào nhu cầu và thỏa thuận giữa các bên. Với số vốn đó, thành viên góp vốn cũng sẽ chỉ cần chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi vốn góp. Đặc điểm này tương đồng với trách nhiệm của loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH, Công ty cổ phần.

Thành viên công ty hợp danh có hai loại khác nhau, đồng thời quyền và nghĩa vụ cũng khác nhau. 

– Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Việc huy động vốn của công ty hợp danh bị hạn chế vì theo quy định của pháp luật thì Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Vì sao lại như thế?

  • Thứ nhất, dựa trên đặc điểm của công ty hợp danh và các loại chứng khoán: Bản chất của loại hình doanh nghiệp công ty hợp danh là đối nhân (có nghĩa là công ty được xây dựng dựa trên mối quan hệ gắn bó, tin tưởng mật thiết với nhau), còn chứng khoán lại không có tính chất đối nhân bởi vì khi phát hành chứng khoán thì các đối tượng nhận chứng khoán có thể là những người xa lạ, ở những nơi khác nhau. Sự khác biệt này tạo nên sự đối nghịch của loại hình công ty và sự vận hành của chứng khoán. 
  • Thứ hai, dựa trên tính chất chịu trách nhiệm vô hạn của công ty hợp danh và chứng khoán. Thành viên hợp danh là người chịu trách nhiệm vô hạn, ngược lại với điều đó thì chứng khoán là một loại tài sản góp vốn của người chịu trách nhiệm hữu hạn. Nếu với sự khác biệt này mà công ty hợp danh vẫn phát hành chứng khoán thì sẽ làm khác đi tính chất của công ty hợp danh và đồng thời gây ra những hậu quả không thể đảm bảo cho người góp vốn. 

– Về thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp

“1. Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.

Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.

Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

Tại thời điểm góp đủ số vốn đã cam kết, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Vốn điều lệ của công ty;

c) Tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức; loại thành viên;

d) Giá trị phần vốn góp và loại tài sản góp vốn của thành viên;

đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;

e) Quyền và nghĩa vụ của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp;

g) Họ, tên, chữ ký của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp và của các thành viên hợp danh của công ty.Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp.”

– Về tài sản của công ty hợp danh

Công ty hợp danh liệt kê các loại tài sản thuộc về công ty mà khi tham gia thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải thực hiện: 

  • Tài sản góp vốn của thành viên phải được chuyển quyền sở hữu cho công ty;
  • Tài sản tạo lập được mang tên công ty;
  • Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của công ty do thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện;
  • Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa những người góp vốn với công ty được thể hiện: Là thành viên nhân danh công ty hay nhân danh cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh cho công ty thì tài sản tạo ra đều được nhận định là tài sản của công ty hợp danh. 

Đối với loại hình doanh nghiệp này, pháp luật quy định rõ về các loại tài sản thuộc về công ty là bởi vì: Khác với các loại hình khác, cá nhân, tổ chức góp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp thì công ty hợp danh có thêm thành viên hợp danh và họ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Chính vì vậy mà cần phải xác định được tài sản của công ty hợp danh bao gồm những giá trị nào. 

– Về khả năng huy động vốn

Công ty hợp danh không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn, tuy nhiên công ty có thể huy động vốn thông qua hai phương thức: Tăng vốn điều lệ và vay nợ. 

Với phương thức tăng vốn điều lệ thì công ty hợp danh có thể thực hiện thông qua hoạt động Tiếp nhận thành viên mới (quy định tại khoản 1 điều 186 Luật Doanh nghiệp 2020) hoặc công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ đối với thành viên công ty. Hoạt động này cần được sự chấp thuận bởi ba phần tư tổng số thành viên hợp danh tán thành.

– Về tư cách pháp lý

Công ty hợp danh là tổ chức có tư cách pháp nhân.

Công ty sẽ có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

II. CÁC BƯỚC THÀNH LẬP CÔNG TY HỢP DANH

Các bước thành lập công ty hợp danh bao gồm từ chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ và nhận kết quả.

1. Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty

Số lượng 01 bao gồm:

  •  Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  •  Điều lệ công ty.
  •  Danh sách thành viên.
  •  Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

b) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Nộp hồ sơ thành lập công ty tại cơ quan có thẩm quyền

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.Trong thời hạn 05 – 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập doanh nghiệp biết bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do.

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính: Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Văn phòng giao dịch: Số 623 La Thành, P. Thành Công, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *