CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH HỎI CUNG BỊ CAN

Để việc hỏi cung được diễn ra một cách thuận lợi và khai thác được nhiều thông tin nhất phục vụ cho việc điều tra. Các điều tra viên cần tiến hành hỏi cung bị can theo các bước hợp lý và logic. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ tìm hiểu về các bước tiến hành hỏi cung bị can.

1. Cơ sở pháp lý

2. Hỏi cung bị can là gì?

Dưới góc độ khoa học điều tra tội phạm, hỏi cung bị can là “biện pháp điều tra được tiến hành nhằm thu thập lời khai của bị can về các tình tiết có liên quan đến vụ án, phục vụ công tác điều tra và xử lý đối với vụ án đó.

Từ định nghĩa trên có thể thấy: 

– Vị trí của hỏi cung bị can là một trong những biện pháp điều tra cơ bản của giai đoạn điều tra vụ án hình sự

– Mục đích của hỏi cung bị can là thu thập và mô tả theo trình tự tố tụng hình sự thật đầy đủ, chính xác, khách quan lời khai của bị can về vụ án hình sự, hành vi phạm tội của bị can cùng đồng bọn và những tin tức, tài liệu khác mà bị can biết có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra, xử lý vụ án và phòng ngừa phạm tội. 

– Việc hỏi cung sẽ do điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện

3. Các bước tiến hành hỏi cung bị can

3.1 Chuẩn bị hỏi cung

3.1.1 Nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan

Điều tra viên cần nghiên cứu kỹ những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được từ những biện pháp điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, trưng cầu giám định… Đồng thời, cần thu thập và nghiên cứu những tài liệu khác có liên quan đến hành vi phạm tội của bị can trước đó như trích lục tiền án, tiền sự, hồ sơ những vụ án do bị can gây ra trước đây và những tài liệu thu được từ những biện pháp trinh sát phản ánh mối quan hệ mang tính chất tội phạm của bị can, những biểu hiện nghi vấn của bị can trước, trong và sau khi vụ án xảy ra …

Trong những trường hợp khi nội dung, tính chất của vụ án liên quan tới các lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật, điều tra viên cần chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết về các chuyên ngành đó để tránh lúng túng khi sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành và xác định chính xác phạm vi những vấn đề cụ thể cần làm rõ trong các vụ án này.

3.1.2 Nghiên cứu nhân thân của bị can

Điều tra viên cần thu thập tài liệu nhằm làm rõ những dấu hiệu đặc trưng của nhân thân bị can như các dấu hiệu xã hội – nhân khẩu (giới tính, tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, vai trò xã hội, hoàn cảnh gia; các dấu hiệu đạo đức – tâm lý (thái độ của bị can đối với giá trị đạo đức xã hội khác nhau); các dấu hiệu pháp lý hình sự của bị can (động cơ, mục đích phạm tội, tiền án, tiền sự, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…). Trên cơ sở đó lựa chọn và áp dụng các thủ thuật hỏi cung phù hợp.

3.1.3 Lập kế hoạch hỏi cung

Trong kế hoạch hỏi cung thường bao gồm những nội dung cơ bản sau:

– Những vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình hỏi cung. Những vấn đề cần làm rõ trong quá trình hỏi cung bao gồm tất cả những tình tiết mà bị can biết, có liên quan tới vụ án. Khi xác định những vấn đề nêu trên, điều tra viên phải căn cứ vào quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85 của Bộ luật này. Ngoài ra, khi hỏi cung bị can là những người chưa thành niên phạm tội, điều tra viên còn phải thu thập các chứng cứ nhằm làm rõ những vấn đề khác được quy định trong Điều 416 Bộ luật tố tụng hình sự.

– Những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được: Trong kế hoạch hỏi cung, điều tra viên cần chỉ rõ những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về hành vi phạm tội của bị can qua việc áp dụng các biện pháp điều tra theo tố tụng hoặc các biện pháp nghiệp vụ trinh sát. 

– Những câu hỏi cần đưa ra để bị can trả lời: Trong quá trình hỏi cung bị can, có thể sử dụng những loại câu hỏi sau:

+ Câu hỏi bổ sung lời khai: Đó là những câu hỏi được đặt ra cho bị can trả lời nhằm mục đích thu thập thêm những tài liệu bổ sung vào lời khai trước đó của bị can, loại trừ những chỗ chưa đầy đủ trong lời khai hoặc nhằm mục đích cụ thể hóa lời khai đó.

+ Câu hỏi làm chính xác lời khai: Đó cũng là những câu hỏi được đặt ra nhằm mục đích cụ thể hóa lời khai nhưng thường để chi tiết hóa, làm chính xác những tài liệu đã thu thập được.

+ Câu hỏi gợi nhớ lại: Đó là những câu hỏi được đặt ra nhằm mục đích phục hồi lại trí nhớ của bị can, khơi dậy trong trí nhớ của bị can những mối liên tưởng khác nhau, nhờ đó bị can sẽ nhớ lại những tình tiết mà điều tra viên quan tâm làm rõ.

+ Câu hỏi kiểm tra: Đó là những câu hỏi được đặt ra nhằm mục đích kiểm tra lời khai hoặc thu thập tài liệu để kiểm tra chính lời khai đó của bị can.

+ Câu hỏi vạch trần lời khai gian dối: Đó là những câu hỏi được đặt ra nhằm mục đích vạch trần sự gian dối trong lời khai của bị can khi điều tra viên đã có cơ sở để khẳng định điều đó.

3.1.4 Chuẩn bị các phương tiện cần thiết cho cuộc hỏi cung

Điều tra viên cần chuẩn bị các phương tiện cần thiết cho cuộc hỏi cung như: mẫu biên bản hỏi cung bị can, giấy tờ, bút viết, máy ghi âm (trong trường hợp cần ghi âm cuộc hỏi cung), các phương tiện kỹ thuật khác và chuẩn bị phòng hỏi cung.

3.2 Tiến hành hỏi cung

3.2.1 Giải quyết các thủ tục tố tụng cần thiết

Sau khi cho bị can vào phòng hỏi cung và yêu cầu họ ngồi vào nơi quy định, điều tra viên tiến hành nhận dạng và kiểm tra căn cước của bị can, nếu xét thấy cần thiết. Sau đó, điều tra viên tự giới thiệu mình với bị can. Tiếp đó đọc quyết định khởi tố bị can, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can theo Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự (nếu là buổi hỏi cung lần đầu). Trong trường hợp có người bào chữa, người phiên dịch tham dự buổi hỏi cung, điều tra viên cần giải thích quyền và nghĩa vụ của họ theo các điều 72 và 70 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc giải thích quyền và nghĩa vụ của những người này phải được ghi vào biên bản.

3.2.2 Thiết lập sự giao tiếp tâm lý giữa điều tra viên và bị can

Thiết lập sự tiếp xúc tâm lý giữa điều tra viên và bị can là việc tạo ra cho cuộc hỏi cung bầu không khí thuận lợi, trong đó bị can cảm nhận được sự tôn trọng đối với điều tra viên, hiểu được nhiệm vụ và trách nhiệm của điều tra viên, sự vô tư của điều tra viên khi hỏi cung và nhận thức được sự cần thiết phải giúp điều tra viên tìm ra sự thật của vụ án bằng những lời khai của mình.

Thiết lập sự tiếp xúc tâm lý giữa điều tra viên và bị can là một điều kiện quan trọng để hoạt động hỏi cung bị can đạt được mục đích đề ra. Vì vậy, nó cần được tiến hành trong tất cả các cuộc hỏi cung. Điều tra viên phải xác định những phương pháp cụ thể để thiết lập sự tiếp xúc tâm lý với các loại bị can khác nhau căn cứ vào đặc điểm nhân thân và thái độ khai báo của họ. Thông thường, trước khi hỏi cung bị can theo kế hoạch đã được vạch ra, điều tra viên thăm hỏi, giải thích, thuyết phục bị can nhằm tạo ra bầu không khí tôn trọng, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa điều tra viên và bị can. 

3.2.3 Tiến hành hỏi cung bị can theo nội dung đã dự kiến trong bản kế hoạch hỏi cung

Sau khi thiết lập sự tiếp xúc tâm lý giữa điều tra viên và bị can, điều tra viên hỏi bị can về quan hệ gia đình và lịch sử bản thân (trong lần hỏi cung đầu tiên). Sau đó, điều tra viên có thể yêu cầu bị can tự khai về hành vi phạm tội của mình theo tội danh được nêu trong quyết định khởi tố bị can. Sau khi bị can kết thúc lời khai, điều tra viên đặt ra những câu hỏi cho bị can trả lời theo nội dung đã được dự kiến trong bản kế hoạch hỏi cung. Việc lựa chọn những chiến thuật hỏi cung bị can phụ thuộc vào thái độ khai báo của bị can. Vì vậy, kế hoạch hỏi cung có thể có sự điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến cụ thể của cuộc hỏi cung.

4.3 Kết thúc hỏi cung

Khi kết thúc hỏi cung, điều tra viên cần hoàn chỉnh biên bản hỏi cung bị can, đọc lại biên bản hỏi cung (hoặc cho bị can tự đọc) và yêu cầu bị can và những người tham gia vào quá trình hỏi cung ký vào biên bản. Việc lập và ký biên bản hỏi cung bị can phải tuân theo những quy định của Điều 184 Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu việc hỏi cung bị can được ghi âm thì sau khi hỏi cung, phải phát lại để bị can và điều tra viên cùng nghe. Biên bản phải ghi lại nội dung việc hỏi cung, bị can và điều tra viên cùng ký xác nhận.

Trên đây là những giải đáp về các bước hỏi cung bị can theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *