Điều kiện tổ chức khóa đào tạo, cơ sở đào tạo về đấu thầu

Để hoạt động đấu thầu được diễn ra công bằng, minh bạch thì công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho các cá nhân, tổ chức trực tiếp tham gia vào quy trình đấu thầu là một điều vô cùng cần thiết. Vậy pháp luật quy định như thế nào về điều kiện tổ chức các khóa đào tạo, cơ sở đào tạo về đấu thầu? Mời quý bạn đọc theo dõi trong bài viết dưới đây.

CƠ SỞ PHÁP LÝ    

  • Luật Đấu thầu năm 2013
  • Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
  • Thông tư 03/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

I. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

Theo Điều 3 Thông tư 03/2016/TT-BKHĐT , các loại hình đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu được cấp phép bao gồm:

– Đào tạo đấu thầu cơ bản: áp dụng cho các cá nhân tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và các cá nhân khác có nhu cầu. Kết thúc mỗi khóa đào tạo, học viên đáp ứng yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản. Cá nhân thuộc nhà thầu, nhà đầu tư không bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản.

– Bồi dưỡng về đấu thầu bao gồm các hoạt động:

– Bồi dưỡng giảng viên đấu thầu áp dụng cho các cá nhân có nhu cầu trở thành giảng viên đấu thầu. Kết thúc mỗi khóa bồi dưỡng, học viên đáp ứng yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận bồi dưỡng giảng viên đấu thầu;

– Bồi dưỡng kiến thức đấu thầu áp dụng cho các cá nhân có nhu cầu, bao gồm bồi dưỡng theo chuyên đề, bồi dưỡng cập nhật, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về đấu thầu để phục vụ công việc, phục vụ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu và các hình thức bồi dưỡng khác về đấu thầu.

II. Điều kiện đối với các khóa đào tạo, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

1. Yêu cầu chung đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

Để được cấp phép thực hiện, các khóa đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện như sau:

– Các khóa đào tạo đấu thầu cơ bản phải được tổ chức bởi cơ sở đào tạo có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và do các giảng viên có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia giảng dạy.

– Các khóa bồi dưỡng giảng viên đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, được giảng dạy bởi các giảng viên có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và chuyên gia trong các lĩnh vực về pháp lý, tài chính, thương mại và lĩnh vực khác có liên quan.

– Các khóa đào tạo đấu thầu cơ bản, bồi dưỡng giảng viên đấu thầu phải được tổ chức tập trung; bảo đảm đủ nội dung chương trình và thời lượng theo quy định tại Điều 7 và Điều 19 Thông tư 03/2016/TT-BKHĐT.

– Số lượng học viên của mỗi lớp đào tạo đấu thầu cơ bản không quá 150 người; bồi dưỡng giảng viên đấu thầu không quá 30 người.

Lưu ý:

– Kết thúc khóa học, người đứng đầu cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu cho các cá nhân đạt yêu cầu.

– Kết thúc mỗi khóa đào tạo về đấu thầu có cấp chứng chỉ, cơ sở đào tạo có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả đào tạo kèm theo danh sách các cá nhân được cấp chứng chỉ đào tạo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

– Đối với những khóa học mà tất cả học viên đều thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở đào tạo được phép điều chỉnh nội dung tài liệu giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu đặc thù về đấu thầu của địa phương nhưng vẫn phải bảo đảm thời lượng khóa học theo chương trình khung.

2. Yêu cầu chung đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

2.1 Điều kiện công nhận, thẩm định các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

Điều kiện đăng ký cơ sở đào tạo về đấu thầu được quy định tại Điều 107 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 19 của Luật Đấu thầu năm 2013. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu lập hồ sơ đăng ký gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được xét duyệt và thẩm định.

Cụ thể, cơ sở được tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu cho cá nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 25 Thông tư 03/2016/TT-BKHĐT:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong đó có ngành nghề đầu tư, kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành

– Có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

– Có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu;

– Có tài liệu giảng dạy đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp với chương trình khung theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kèm theo bộ đề kiểm tra của chương trình đào tạo về đấu thầu cơ bản;

– Có đội ngũ giảng viên về đấu thầu có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu; có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng giảng dạy với đội ngũ giảng viên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng để thẩm định hồ sơ đăng ký của cơ sở đào tạo về đấu thầu. Cơ sở đào tạo được Hội đồng thẩm định đánh giá đáp ứng điều kiện trên sẽ được công nhận là cơ sở đào tạo về đấu thầu và được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

2.2 Trách nhiệm của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

Về trách nhiệm của cơ sở đào tạo về đấu thầu được quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Đấu thầu năm 2013, cụ thể bao gồm:

– Bảo đảm về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; cung cấp thông tin về cơ sở đào tạo của mình cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu

– Thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở chương trình khung về đào tạo đấu thầu và cấp chứng chỉ đấu thầu cho học viên theo đúng quy định

– Lưu trữ hồ sơ về các khóa đào tạo, bồi dưỡng đấu thầu mà mình tổ chức theo quy định;

– Định kỳ hàng năm báo cáo hoặc báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu.

III. Trường hợp cơ sở đào tạo bị xóa tên khỏi hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Cơ sở đào tạo về đấu thầu sẽ bị xóa tên khỏi hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 107  Nghị định 63/2014/NĐ-CP cụ thể:

– Thay đổi địa chỉ của trụ sở giao dịch nhưng trong vòng 60 ngày, kể từ ngày thay đổi địa chỉ của trụ sở giao dịch mà không thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư

– Không sử dụng giảng viên về đấu thầu có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

– Không thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở chương trình khung về đào tạo đấu thầu

– Cấp chứng chỉ cho các cá nhân không tham gia lớp đào tạo đấu thầu hoặc các cá nhân có tham gia nhưng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 111 của  Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

– Không lưu trữ hồ sơ các khóa đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu mà mình tổ chức theo quy định

– Không báo cáo định kỳ hàng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của mình.

Trên đây là các điều kiện cần có của các khóa đào tạo, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng về đấu thầu theo quy định pháp luật. Mọi nhu cầu tư vấn quý độc giả vui lòng liên hệ về:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 04/11/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *