Mục lục
1. Xóa án tích đối với pháp nhân thương mại là gì?
Điều 89 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 89. Xóa án tích
Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.”
2. Xóa án tích đối với pháp nhân thương mại
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với pháp nhân phạm tội, đã chấp hành xong bản án và các quyết định khác của Tòa án, Bộ luật Hình sự quy định điều kiện xóa án tích đối với pháp nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để pháp nhân có thể khôi phục xản xuất kinh doanh.
Khi đối với cá nhân phạm tội, xóa án tích phải dựa vào hình phạt chính đã tuyên và có sự phân hóa thời hạn xóa án tích dựa vào loại hình phạt cũng như mức hình phạt được áp dụng. Còn đối với thời hạn xóa án tích của pháp nhân thương mại bị kết án trong mọi trường hợp đều là 02 năm, không phân biệt là hình phạt chính đã áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội là gì.
So với cá nhân phạm tội, thời điểm tính thời hạn để xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội bất lợi hơn vì khi chấp hành xong hình phạt chính nhưng chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung hay các quyết định khác có trong bản án thì vẫn chưa tính thời hạn để xóa án tích.Vì thời điểm để bắt đầu tính thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc khi hết thời hiệu thi hành bản án.
Cũng giống như cá nhân người bị kết án, điều kiện để được xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án là trong thời hạn tính xóa án tích, pháp nhân thương mại này không phạm tội mới. Do đó, nếu phạm tội mới bất kể là loại tội phạm gì, bị áp dụng hình phạt chính là gì thì án tích của tội cũ sẽ không được xóa
3. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại
Về đối tượng được xem là không có án tích. Nội dung của các điều 69, 107 BLHS năm 2015 đều quy định cá nhân phạm tội có những trường hợp được coi là “không có án tích” và “không bị coi là có án tích”; nhưng ngược lại, đối với pháp nhân thương mại quy định tại Điều 89 BLHS năm 2015 thì không có trường hợp pháp nhân thương mại bị kết án không bị coi là có án tích. Đây là điểm chưa hợp lý, thể hiện sự thiếu công bằng, thiếu khách quan giữa các đối tượng phạm tội, chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 3 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Đồng thời, khi xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, nếu xét thấy pháp nhân thương mại phạm tội đã khắc phục toàn bộ hậu quả và bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của mình đã gây ra thì Điều 88 BLHS năm 2015 cho phép Tòa án có thẩm quyền quyết định “miễn hình phạt” đối với pháp nhân thương mại đó.
Về điều kiện xem xét xóa án tích. Quy định thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại là “02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính…”, mà không phân loại cụ thể, không phân biệt loại hình phạt chính cần áp dụng thời hạn 02 năm như thế nào là chưa phù hợp. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 33 BLHS năm 2015, hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại không chỉ có hình phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, mà còn có cả hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Trường hợp pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, thì việc tính thời hạn xóa án tích như Điều 89 BLHS năm 2015 là không có ý nghĩa về mặt pháp lý cũng như thực tiễn.
Về thủ tục xem xét: Tại Điều 446 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 89 của BLHS thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích. Thiết nghĩ, thời hạn “05 ngày” mà pháp luật tố tụng hình sự quy định cho Tòa án thực hiện các hoạt động, thủ tục để đi đến quyết định cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích là quá ngắn, chưa đáp ứng được quá trình thực hiện các hoạt động trên thực tế của Tòa án, pháp nhân và các cơ quan có liên quan. Bởi lẽ, quá trình thu thập văn bản, tài liệu xác nhận pháp nhân đã chấp hành xong toàn bộ quyết định của bản án sẽ không tránh khỏi trường hợp pháp nhân hoặc các cơ quan có liên quan chậm cung cấp, xác nhận. Còn có trường hợp pháp nhân có trụ sở cách xa Tòa án có thẩm quyền, việc liên hệ, chuyển phát giấy tờ, tài liệu cần nhiều thời gian. Điều đó ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả của việc xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho pháp nhân thương mại.
Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn về nội dung xóa án tích đối với pháp nhân thương mại mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Ms. Thương