Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
- Nghị định 82/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực hôn nhân
Mục lục
I. Pháp luật có quy định nào về bảo vệ chế độ hôn nhân?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Như vậy, việc chung sống với nhau như vợ chồng được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm, xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung. Hiện nay, khó để xử phạt đối với hành vi ngoại tình vì phải chứng minh được có chung sống với nhau như vợ chồng. Cho nên có thể thấy việc ngoại tình là vi phạm về chế độ hôn nhân theo quy định hiện nay.
II. Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là gì?
Vi phạm chế độ một vợ một chồng là vi phạm vào chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được pháp luật quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm đó được biết đến như chồng hoặc vợ ngoại tình hoặc chung sống với người thứ ba như vợ chồng dù chưa ly hôn.
Vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng, hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng tới xã hội nói chung.
III. Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Bộ luật Hình sự
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt như sau:
- Khung 1:
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Khung 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát
Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
IV. Mức phạt hành chính hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng
Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với các hành vi sau:
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
(Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực hôn nhân)
Bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, phạt thế nào? mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính: Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Ms. Thương
Ngày xuất bản: 19/12/2023