Quyền thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

  1. Đặt vấn đề

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập, giao nộp theo trình tự, thủ tục do luật quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án. Trong vụ án dân sự, thu thập tài liệu, chứng cứ là hoạt động của các chủ thể có liên quan nhằm tìm ra những sự vật được coi là nguồn chứng cứ mà trong đó chứa đựng những thông tin liên quan tới vụ án nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, đánh giá và cung cấp cho Tòa án làm cơ sở giải quyết vụ án dân sự.

Khi tham gia giải quyết vụ án dân sự theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự, cùng với yêu cầu Tòa án giải quyết, đương sự có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu hoặc sự phản đối của mình là có căn cứ và hợp pháp thông qua việc tự mình cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp theo yêu cầu của Tòa án. Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ do đương sự, người tham gia tố tụng cung cấp hoặc Tòa án thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án sẽ xem xét, đánh giá và sử dụng những thông tin từ các tài liệu, chứng cứ đó để đưa ra phán quyết phù hợp.

Với tư cách là người tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia tố tụng cũng có quyền thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án một cách độc lập nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự mà mình nhận bảo vệ, đồng thời góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Tuy nhiên, vấn đề thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập khiến cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi thực hiện quyền này.

Do đó, vấn đề hoàn thiện quy định pháp luật đối với quyền thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự là rất cần thiết để đảm bảo việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự có hiệu quả hơn, đồng thời giúp cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến quyền thu thập tài liệu, chứng cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

  1. Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về quyền thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

– Theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bao gồm:

+ Luật sư.

+ Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý.

+ Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động trong vụ việc lao động.

+ Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.

– Hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thực hiện trên cơ sở về quyền quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 76 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền:

2. Thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.

  1. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 6, 16, 17, 18, 19 và 20 Điều 70 của Bộ luật này”.

Theo quy định trên, hoạt động của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia giải quyết vụ án dân sự không chỉ dừng lại ở việc tư vấn pháp luật, hỗ trợ đương sự về mặt pháp lý, trình tự thủ tục giải quyết mà còn có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án và cung cấp cho Tòa án. Có thể nói đây là một quyền rất quan trọng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia tố tụng. Với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, chủ thể này cũng cần phải tiến hành việc thu thập, chứng cứ một cách độc lập để phù hợp với định hướng bảo vệ cho đương sự của mình.

Ở bất kỳ giai đoạn nào, khi tiếp nhận vụ án của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải nghiên cứu, đánh giá, xác định những vấn đề về nội dung và tố tụng, những tình tiết cần chứng minh, những tình tiết không cần chứng minh, từ đó xác định được những tài liệu, chứng cứ cần phải thu thập. Khi đã xác định được những vấn đề trên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có phương án thu thập tài liệu, chứng cứ phù hợp với tình hình thực tế, tự mình thu thập hoặc tư vấn cho đương sự cách thức thực hiện quyền thu thập của mình nhằm đảm bảo cho yêu cầu hoặc sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

  1. Những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền thu thập tài liệu, chứng cứ của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

– Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: Dựa trên yêu cầu của đương sự, tình tiết của vụ việc mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phải xác định được quan hệ pháp luật tranh chấp nhằm xây dựng định hướng giải quyết, từ đó xác định được những vấn đề cần phải chứng minh và những tài liệu, chứng cứ cần có để giải quyết vụ án. Do đó việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có ý nghĩa rất quan trọng đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia giải quyết vụ án dân sự.

– Xác định đối tượng cần thu thập: Trên cơ sở xác định được những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án dân sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ thể hiện ở các nguồn chứng cứ như tài liệu nghe nhìn, dữ liệu điện tử, văn bản công chứng chứng thực, lời khai, kết luận giám định,… mà trong đó chứa đựng những thông tin có liên quan tới nội dung, tình tiết của vụ án.

– Về chủ thể tiếp nhận tài liệu, chứng cứ: Đối với các tranh chấp dân sự, Tòa án nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án dân sự nên Tòa án cũng là cơ quan duy nhất tiếp nhận tài liệu, chứng cứ của các đương sự và người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự.

– Thời hạn cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ cho Toà án:

+ Giai đoạn sơ thẩm: Theo khoản 4 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Nội dung này được hướng dẫn tại Điều 19 của Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP, theo đó Người khởi kiện, người tham gia tố tụng đã gửi tài liệu, chứng cứ qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án phải nộp bản chính hoặc bản sao hợp pháp tài liệu, chứng cứ đó chậm nhất là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Như vậy, thời hạn để đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự chậm nhất là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải do Tòa án tổ chức.

+ Giai đoạn phúc thẩm: Theo khoản 1 Điều 287 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Khi đương sự được triệu tập tham gia giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm và đương sự có nhờ người bảo vệ thì sau khi thực hiện thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại Tòa án cấp phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương vẫn có thể cung cấp tài liệu chứng cứ mà mình thu thập được cho Tòa án thông qua đương sự. Tài liệu, chứng cứ được thu thập và bổ sung ở giai đoạn phúc thẩm phải là tài liệu, chứng cứ mới mà tại cấp sơ thẩm các bên đương sự chưa cung cấp, giao nộp được vì lý do chính đáng.

Đối với các tài liệu, chứng cứ mà đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cung cấp ngay tại phiên tòa xét xử thì theo khoản 4 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người cung cấp phải chứng minh được lý do của việc chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ. Song việc có chấp nhận sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án hay không còn phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử.

– Phương thức cung cấp tài liệu, chứng cứ: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể đến nộp tài liệu, chứng cứ trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi bằng phương tiện điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Toà án theo quy định tại Điều 18 Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP.

  1. Những vướng mắc, bất cập trong hoạt động thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã có quy định về quyền thu thập tài liệu, chứng cứ của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên trong Bộ luật này lại không quy định cụ thể và rõ ràng về mức độ và phạm vi được thực hiện quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Thực tế khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có lưu trữ những tài liệu liên quan đến vụ án dân sự cung cấp tài liệu cho mình (Ví dụ: Ủy ban nhân dân, Văn phòng công chứng,…) thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự luôn bị từ chối cung cấp với lý do nghiệp vụ, do không phải là chủ thể liên quan tới các giao dịch, bảo mật thông tin khách hàng,… Cho nên mặc dù luật có quy định về quyền nhưng do không quy định rõ ràng nên yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không mang tính chất mệnh lệnh hay ràng buộc đối với những chủ thể được yêu cầu cung cấp.

Đa phần các vụ án dân sự hiện nay bị kéo dài một phần nguyên nhân do đương sự, người tham gia tố tụng chưa cung cấp hoặc không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Toà án vì nhiều lý do khách quan có thể kể đến như tài liệu hồ sơ bị thất lạc do thay đổi địa giới hành chính làm thay đổi tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước; thủ tục xin giấy tờ xác nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được giải quyết đúng thời hạn; …

Quá trình tiến hành hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ không nhận được sự hợp tác từ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mặc dù đã thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật thì có thể yêu cầu Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ. Bộ luật tố tụng dân sự không quy định cho người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự có quyền trực tiếp đề nghị Tòa án tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ không thể tự mình thu thập được. Trong trường hợp này, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự chỉ có thể tư vấn và hỗ trợ cho đương sự mà mình bảo vệ gửi văn bản đề nghị Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Có thể thấy người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người có hiểu biết pháp luật, nắm rõ trình tự thủ tục giải quyết vụ án, được đương sự mời tham gia tố tụng để hỗ trợ, giúp đỡ về mặt pháp lý nhưng bị giới hạn về quyền nên trong không đảm bảo được sự chủ động khi giải quyết công việc, hay nói cách khác là bị phụ thuộc vào đương sự. Liên quan đến vấn đề này, về quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm thu thập, bảo vệ chứng cứ theo Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chủ thể được quy định có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, không đề cập tới người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Điều này dẫn tới việc trong một số trường hợp mang tính cấp bách cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vẫn phải thông qua đương sự thì mới có thể yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng.

  1. Kiến nghị, giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật

Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn đã mở rộng hơn về quyền của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia giải quyết vụ án dân sự. Song khi áp dụng vào thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến cho những chủ thể trên mặc dù có quyền thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng không thể thực hiện được quyền của mình một cách triệt để. Vì vậy đối với vấn đề này, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị như sau:

Một là, cần có thêm văn bản pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn về quyền thu thập tài liệu, chứng cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đồng thời cần có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền này của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Hai là, chứng minh là hoạt động xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án dân sự trước khi Toà án thụ lý vụ án cho đến khi vụ án kết thúc nên quy định về thời hạn giao nộp tài liệu chứng cứ của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng cần được xem xét thay đổi theo hướng được cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ kể từ khi Toà án thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc phiên toà xét xử để nghĩa vụ chứng minh được thực hiện một cách có hiệu quả.

Ba là, theo tinh thần của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể là tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật này, Toà án nhân dân khi thụ lý giải quyết vụ án dân sự cần nâng cao trách nhiệm hỗ trợ và có cơ chế giúp đỡ đương sự, người tham gia tố tụng trong việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để nhanh chóng thu thập đầy đủ tài liệu, củng cố hồ sơ vụ án, góp phần làm giảm bớt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ án dân sự.

[1] Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

[2] Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính: Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Tác giả: Minh Dũng

Ngày phát hành: Ngày 25/07/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *