Quy định pháp luật về nâng bậc lương và phụ cấp lương

Một trong những quy định nhằm khuyến khích người lao động làm việc, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công việc là nâng bậc lương và hỗ trợ phụ cấp lương. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề nâng bậc lương và phụ cấp lương? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý: 

  • Bộ luật Lao động năm 2019
  • Thông tư số 08/2013/TT-BNV hướng dẫn chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
  • Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội bắt buộc
  • Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng lương tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con

I. Nâng bậc lương theo quy định pháp luật

1. Nâng bậc lương cơ bản

Hàng năm căn cứ vào nhu cầu công việc, tình hình sản xuất kinh doanh, công ty tiến hành nâng bậc lương cho nhân viên. Căn cứ để nâng lương đối với các lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh là tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật ứng với công việc đảm nhận. Đối với các cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, nhân viên thừa hành phục vụ sẽ căn cứ dựa trên tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và thâm niên làm việc trong công ty. 

Theo Thông tư 08/2013/TT-BNV điều kiện xét nâng bậc lương của người lao động trong doanh nghiệp cụ thể như sau: 

  • Phải luôn hoàn thành công việc được giao về số lượng, chất lượng ghi trong hợp đồng lao động đã ký kết.
  • Không đang trong thời gian thi hành kỷ luật lao động theo các quy định của Bộ luật lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp.
  • Đối với cán bộ công nhân viên có hệ số lương khởi điểm (Bậc 1) thì thời gian giữ bậc lương hiện tại tối đa là 2 năm (Đủ 24 tháng) nghĩa là chậm nhất cứ 2 năm người lao động được tăng lương thêm 1 bậc lương. 
  • Trường hợp nhân viên được bổ nhiệm chức vụ mới thì sẽ được hưởng hệ số lương mới phù hợp với chức vụ đảm nhiệm theo quy định doanh nghiệp. 
  • Trường hợp kéo dài thời gian nâng bậc lương: Trong thời gian giữ bậc lương người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm nội quy, quy định của công ty thì có thể bị thời gian kéo dài nâng bậc lương nhưng không quá 6 tháng. 
  • Tiêu chuẩn nâng bậc lương đối với thành viên HĐQT, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng thì như sau: Có thời gian giữ bậc lương khởi điểm tử 3 năm trở lên; Hoàn thành kế hoạch SXKD hàng năm; Không vi phạm chế độ trách nhiệm theo quy định của pháp luật lao động
  • Trường hợp Cán bộ quản lý doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc hoặc có phát minh sáng chế đóng góp lớn cho hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng được nâng bậc lương sớm hoặc rút ngắn thời gian nâng bậc lương. Ngược lại nếu bị hình thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo trở lên thì bị kéo dài thời gian nâng bậc lương thêm tối đa 12 tháng.
  • Đến kỳ xét duyệt nâng lương Phòng hành chính nhân sự sẽ rà soát và tổng hợp danh sách nhân sự đã đủ niên hạn nâng lương để gửi các tổ đội, phòng ban để tham khảo sau đó trình lên ban lãnh đạo công ty xét duyệt, sau đó lập quyết định trình giám đốc ký chính thức và thông báo toàn công ty. Đối với những cá nhân được tăng lương trước hạn hoặc bị kéo dài thời hạn nâng lương sẽ được giải thích rõ lý do.

2. Nâng bậc lương sản phẩm

Hệ số lương sản phẩm của mỗi cá nhân sẽ được hội đồng trả lương xem xét và điều chỉnh tăng/giảm/giữ nguyên hàng năm căn cứ vào hiệu quả công việc và mức độ đóng góp của từng cá nhân trong công ty.

II. Các chế độ phụ cấp lương

Phụ cấp lương được áp dụng trong trường hợp tổng lương cơ bản và lương sản phẩm của các đối tượng thuộc diện được nhận phụ cấp không đạt mức thấp nhất của ngạch lương tiếp theo ngay trên mức người đó đang hưởng. Phụ cấp lương có được áp dụng hay không là do hội đồng lương quyết định vào kỳ xét lương hàng năm.

Chế độ phụ cấp lương được quy định tại Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH và Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH 

1. Chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

  • Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được áp dụng đối với người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
  • Công ty rà soát phân loại điều kiện lao động theo quy định so sánh mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của nghề, công việc với điều kiện lao động bình thường để xác định mức phụ cấp, bảo đảm.
  • Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày, làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày.

2. Chế độ phụ cấp trách nhiệm

  • Phụ cấp trách nhiệm được áp dụng đối với người lao động làm một số công việc thuộc công tác quản lý hoặc công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn so với trách nhiệm đã tính trong mức lương của thang lương, bảng lương.
  • Công ty rà soát, đánh giá yếu tố trách nhiệm đối với công việc để xác định mức phụ cấp trách nhiệm, bảo đảm mức phụ cấp cao nhất không vượt quá 10% mức lương của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương.
  • Phụ cấp trách nhiệm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng. Khi không làm công việc được hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 01 tháng trở lên thì không hưởng phụ cấp trách nhiệm.

3. Chế độ phụ cấp lưu động

  • Phụ cấp lưu động được áp dụng đối với người lao động làm nghề, công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở, như thi công các công trình xây dựng; khảo sát, tìm kiếm, khoan thăm dò khoáng sản; khảo sát, đo đạc địa hình, địa chính, khảo sát xây dựng chuyên ngành, sửa chữa, duy tu đường bộ, đường sắt; nạo vét công trình đường thủy và công việc có điều kiện tương tự.
  • Công ty rà soát, đánh giá tính chất lưu động đối với công việc để xác định mức phụ cấp lưu động, bảo đảm mức phụ cấp cao nhất không vượt quá 10% mức lương của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương.
  • Phụ cấp lưu động được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo số ngày thực tế lưu động.

4. Chế độ phụ cấp thu hút

  • Phụ cấp thu hút được áp dụng đối với người lao động đến làm ở vùng kinh tế mới, vùng có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn, công trình cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mà Nhà nước quy định có phụ cấp thu hút; nghề, công việc công ty cần thu hút lao động.
  •  Công ty rà soát địa bàn, công trình, nghề, công việc cụ thể để xác định mức độ thu hút đối với người lao động và thiết kế mức phụ cấp, bảo đảm mức phụ cấp cao nhất không vượt quá 35% mức lương của chức danh hoặc công việc trong thang lương, bảng lương.
  • Phụ cấp thu hút được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng. Thời gian thực hiện từ 3 đến 5 năm, tùy thuộc vào điều kiện của địa bàn làm việc hoặc nghề, công việc được áp dụng.

5. Chế độ phụ cấp khu vực

  • Phụ cấp khu vực được áp dụng đối với người lao động làm việc ở địa bàn mà Nhà nước quy định cán bộ, công chức làm việc ở địa bàn này được hưởng phụ cấp khu vực. 
  • Mức phụ cấp do công ty quyết định tối đa bằng mức tiền tuyệt đối mà cán bộ, công chức trên địa bàn đang hưởng.
  • Phụ cấp khu vực được xác định theo nơi làm việc của người lao động và tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng. Khi không làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 01 tháng trở lên thì không hưởng phụ cấp khu vực.

6. Chế độ phụ cấp chức vụ

  •  Phụ cấp chức vụ được áp dụng đối với Trưởng phòng, Phó trưởng phòng (ban) trong trường hợp công ty quy định Trưởng phòng, Phó trưởng phòng (ban) hưởng lương chuyên môn, cộng phụ cấp chức vụ.
  • Công ty đánh giá yếu tố phức tạp công việc của chức danh Trưởng phòng, Phó trưởng phòng so sánh tương quan với công việc chuyên môn, nghiệp vụ để xác định mức phụ cấp, bảo đảm cao nhất không vượt quá 15% mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất trong bảng lương của lao động chuyên môn, nghiệp vụ.
  • Phụ cấp chức vụ được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng. Khi thôi không giữ chức vụ từ 01 tháng trở lên thì không hưởng phụ cấp chức vụ.

Trên đây là những quy định pháp luật về nâng bậc lương và phụ cấp lương. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 30/10/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *