Do thay đổi về nhu cầu cá nhân, công dân thường di dời khỏi nơi thường trú để thuận tiện cho việc học tập và làm việc. Để việc quản lý nhà nước về cư trú được chính xác nhất, công dân cần phải làm thủ tục tạm trú khi thay đổi nơi ở của mình. Vậy nếu không đăng ký tạm trú thì mức xử phạt sẽ ra sao? Mời quý độc giả đón đọc trong bài viết dưới đây.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
– Luật Cư trú năm 2020
– Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình
Mục lục
1. Đăng ký tạm trú là gì?
Theo khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020, nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Trong trường hợp đi thuê trọ, người có nghĩa vụ phải đăng ký tạm trú là người đi thuê nhà. Ngoài ra, việc đăng ký tạm trú còn mang lại nhiều quyền lợi cho người đi thuê trọ. Trong đó có thể kể đến:
– Có thể cho con học tại các trường công lập trên địa bàn nơi tạm trú.
– Nếu có hoả hoạn, cướp giật, trộm cắp, gây gổ… thì người đã đăng ký tạm trú sẽ được bảo đảm an toàn.
– Khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người đã đăng ký tạm trú sẽ được chính quyền địa phương nơi đăng ký tạm trú hỗ trợ.
– Được mua bảo hiểm y tế hộ gia đình tại nơi đăng ký tạm trú, thuận lợi khi đi khám, chữa bệnh…
Như vậy, có thể thấy, việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của người thuê nhà để được hưởng trọn quyền lợi. Tuy nhiên, thường chủ nhà sẽ quen thuộc với địa điểm đăng ký tạm trú, cơ quan thực hiện đăng ký tạm trú… hơn người đi thuê. Do đó, nếu được, người thuê nên nhờ chủ trọ hướng dẫn để việc đăng ký tạm trú được diễn ra nhanh chóng.
2. Không đăng ký tạm trú bao lâu thì bị phạt
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 , việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của công dân. Do đó, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trong thời hạn quy định (30 ngày kể từ ngày đến sinh sống tại nơi ở trọ) thì có thể bị phạt.
Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:
“Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
– Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
– Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.”
Như vậy người nào không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú, xoá đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới (chuyển chỗ trọ mới…), đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không thực hiện thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú thì sẽ bị phạt từ 01 – 02 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
3. Khai báo tạm trú với người nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, người điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc với đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
Cơ sở lưu trú là nơi tạm trú của người nước ngoài ở trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho những người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú.
Như vậy, khi người nước ngoài đến Việt Nam thì người nước ngoài đó phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của mình cho người người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú và người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm phải thực hiện khai báo tạm trú cho những người nước ngoài với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an.
Nếu như cơ sở lưu trú không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về khai báo tạm trú thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, theo quy định này thì cơ sở lưu trú sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu như không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Trên đây là mức phạt với hành vi không khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật hiện hành. Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo Ly
Ngày xuất bản: 26/10/2023