Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe khi thi hành công vụ

1. Quy định về tội Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong khi thi hành công vụ

Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên

Điều 137 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ

2, Cấu thành tội phạm

  • Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp. Động cơ phạm tội là hành động vì lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Người phạm tội sử dụng vũ lực trong khi thi hành công vụ hoàn toàn nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi, nhìn thấy trước hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người phạm tội có thể xảy ra, họ không hề mong muốn hậu quả ấy đến nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc để hậu quả tự xảy ra.

  • Mặt chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi, đặc biệt họ phải là người có quyền và nghĩa vụ thi hành công vụ.

Họ là những người đang thi hành công vụ nói chung, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, những công dân được huy động làm nhiệm vụ như: tuần tra, canh gác, bảo vệ theo kế hoạch của các cơ quan có thẩm quyền hoặc công dân, vì lợi ích chung của xã hội mà đã sử dụng một loại công cụ nào đó để giúp sức người thi hành công vụ ngăn chặn hoặc đuổi bắt người phạm tội, do đó xâm phạm sức khỏe của người khác thì cũng được coi là người thi hành công vụ.

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi, bản thân người có thẩm quyền, nghĩa vụ thực hiện công vụ đều là người từ đủ 18 tuổi trở lên (ví dụ như công an, bộ đội, người làm việc trong cơ quan Nhà nước,…), trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xét xử về tội phạm này chỉ có thể là người giúp sức cho người thi hành công vụ ngăn chặn hoặc đuổi bắt người phạm tội mà xâm phạm đến sức khỏe người phạm tội. Vì lẽ đó, Khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định chủ thể của tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ là người từ đủ 16 tuổi.

Chủ thể của tội phạm cũng phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Thực tế, một người được giao trọng trách thực hiện công việc chung vì lợi ích của cộng đồng, Nhà nước phải là một người có tài năng, có đạo đức, vì vậy, bản thân họ đều có đầy đủ năng lực nhận thức cũng như năng lực làm chủ hành vi.

Trong trường hợp người giúp sức giúp lực lượng cán bộ thi hành công vụ, hay nhiều người đang thi hành công vụ mà họ cùng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì không bị coi là vụ án đồng phạm hay phạm tội có tổ chức. Bởi lẽ vụ án đồng phạm cần phải có sự bàn bạc, cùng lên kế hoạch hướng thới mục đích cùng thực hiện tội phạm còn trường hợp nhiều người cùng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong thi hành công vụ, họ không có sự bàn bạc hay lên kế hoạch trước, mục đích của họ thi sử dụng vũ lực cũng là để hoàn thành công vụ.

  • Mặt khách thể của tội phạm

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ là hành vi của người trong quá trình thực hiện công vụ của mình đã làm cho người khác bị thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.

Tội phạm xâm phạm quyền được bảo hộ về sức khoẻ của con người.

Vì vậy, khách thể của tội phạm là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe của con người.

  • Mặt khách quan 

Hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, sử dụng vũ lực ngoài trường hợp pháp luật cho phép, tức là về phía nạn nhân thì chưa có hành vi kháng cự, mới bị tình nghi chứ chưa có biểu hiện rõ ràng là phạm tội nghiêm trọng, hoặc tuy đã phạm tội nghiêm trọng, nhưng không có hành động trốn tránh pháp luật; về phía người sử dụng vũ khí, thì đã tỏ ra thiếu thận trọng, không làm đúng thủ tục quy định trước khi nổ súng vào nạn nhân, như: cảnh cáo, ra lệnh hay hô “đứng lại” hoặc “giơ tay lên” mà nạn nhân không tuân theo hoặc vẫn có tình chống cự lại.

Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Ms. Liễu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *