Trong nhiều hoàn cảnh, đôi khi ý nguyện của người đã khuất về việc phân chia tài sản thừa kế không được thể hiện bằng văn bản, di chúc hợp pháp mà chỉ là những lời dặn dò trước khi hoàng hôn khuất núi. Khi đó ý nguyện được biểu đạt qua Di ngôn hay hiểu đơn thuần là những lời di chúc không văn bản. Vậy những Di ngôn này có giá trị và được xem là hợp pháp hay không trong trường hợp nó đúng với tâm nguyện của người mất. Trong bài viết hôm nay, Công ty luật WinLegal xin được gửi đến quý độc giả những thông tin hữu ích về di ngôn.
Mục lục
1. KHÁI NIỆM DI NGÔN
“Di ngôn – Di chúc miệng” là một thuật ngữ pháp lý, dùng để diễn tả hình thức Di chúc bằng lời nói. Qua 30 năm, kể từ ngày có Pháp lệnh về thừa kế năm 1990, tiếp sau đó là Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự 2005, và Bộ luật dân sự hiện hành 2015, hầu như không có sự thay đổi đáng kể nào về “Di chúc miệng”, thậm chí càng về sau, quy định của pháp luật càng khắt khe hơn để “Di chúc miệng” được xem là một Di chúc hợp pháp, có hiệu lực thi hành khi đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. ĐIỀU KIỆN CẦN ĐỂ DI CHÚC MIỆNG ĐƯỢC COI LÀ HỢP PHÁP
Đối với di chúc được người chết thể hiện bằng nói miệng nói riêng, để được coi là có hiệu lực cho thực thi sau khi người có tài sản chết. Nguyên tắc chung để di chúc miệng có hiệu lực cần đáp ứng điều kiện cần theo quy định của Bộ luật dân sự như sau:
Thứ nhất: Người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân dự:
- Di chúc là một hành vi pháp lý đơn phương do vậy nó phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, một trong số đó là điều kiện: “Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự”.
- Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật, người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, do vậy nếu không mắc các bệnh làm mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì được phép lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
Thứ hai: Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc đặc biệt là người già bị lú lẫn, lúc nhớ, lúc quên; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép:
“Tự nguyện” là một dấu hiệu bắt buộc đối với bất cứ một giao dịch dân sự nào và di chúc cũng không ngoại lệ. Tự nguyện trong khoa học pháp lý được xem xét trên cả hai phương diện: ý chí và lý trí. Về ý chí, người lập di chúc nhận thức được hành vi cũng như hậu quả của hành vi do mình thực hiện. Điều này có nghĩa là tại thời điểm lập di chúc, người lập di chúc phải hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, và hoàn toàn tự nguyện trong việc thể hiện ý chí của mình. Di chúc được lập trong trường hợp người để lại di chúc thiếu minh mẫn, sáng suốt do mắc bệnh, say rượu, bia hoặc bị lừa dối, đe dọa, cưỡng bức đều có thể bị tuyên vô hiệu.
Thứ ba: Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội: Nội dung của di chúc dù được thể hiện dưới bất cứ hình thức nào đều không được vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Điều này được quy định tại điểm b, khoản 1 điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, nếu trong di chúc miệng chứa đựng nội dung như để tại tài sản cho vật nuôi, cho các tổ chức phản động,…hoặc yêu cầu người hưởng thừa kế phải đáp ứng điều kiện trái pháp luật như giết người, gây thương tích, chống phá nhà nước… thì đều bị coi là trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để tuyên vô hiệu.
Như vậy, những điều kiện trên là điều kiện chung đối với người để lại di chúc bằng miệng nói riêng và các hình thức di chúc khác nói chung. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần, ai cũng có thể hiểu và áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc để lại di chúc miệng hay còn gọi là Di ngôn của người chết để lại trong nhiều trường hợp phát sinh tranh chấp từ đây giữa những người thừa kế và những câu chuyện tam sao thất bản, mỗi người hiểu một ý chính là nguyên nhân chính dẫn tới tranh chấp không đáng có.
3. ĐIỀU KIỆN ĐỦ ĐỂ DI CHÚC MIỆNG ĐƯỢC COI LÀ HỢP PHÁP
Khi đã đáp ứng điều kiện cần, chúng ta sẽ xem xét tới điều kiện tiên quyết, điều kiện đủ đóng vai trò quyết định để di chúc miệng được coi là hợp pháp, và hội tụ đủ các yếu tố sau đây thì di chúc miệng sẽ có giá trị thi hành cụ thể như sau:
Thứ nhất: Khoản 1 Điều 629 BLDS 2015 quy định Đối với Di ngôn (di chúc miệng) quy định như sau: Người lập di chúc miệng đang trong tình trạng tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản – hiểu đơn giản là người di ngôn phải là người trong tình trạng bị nguy kịch về tính mạng.
- Ví dụ: Anh A đang đi trên đường thị bị tai nạn giao thông và chỉ còn thoi thóp thở. Như vậy, trường hợp này anh A đang đứng trước nguy cơ mất mạng và không thể lập di chúc bằng văn bản.
Vậy căn cứ vào nội dung này, không phải trong trường hợp nào di chúc miệng cũng có giá trị thi hành mặc dù đáp ứng đủ điều kiện cần nêu bên trên. Điều này đồng nghĩa rằng, Di ngôn bằng miệng chỉ có giá trị khi người để lại di sản đang bị cái chết đe dọa, hy hữu và không thể lập di chúc bằng văn bản.
Thứ hai: Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng: Điều này cũng có nghĩa rằng, di ngôn phải đáp ứng 2 điều kiện:
- Một là: Nếu người di chúc miệng mà chỉ để lại di ngôn trước mặt 1 người làm chứng sẽ không có giá trị pháp luật
- Hai là: Người làm chứng không được là người nằm trong diện thừa kế theo di ngôn hay theo pháp luật (Pháp luật gồm 3 hàng thừa kế).
Thứ ba: Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Như vậy, chúng ta lưu ý, ngay khi di ngôn được thể hiện, người làm chứng phải ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ. Nếu người làm chứng không ghi chép lại,không cùng ký tên hoặc điểm chỉ hoặc có ghi chép lại nhưng không đảm bảo thời gian 05 ngày LÀM VIỆC theo quy định để công chứng hoặc chứng thực chữ ký của người làm chứng thì di ngôn khi bị tranh chấp cũng không có giá trị.
Thứ tư: Sau 03 tháng, kể từ ngày di ngôn được lập mà người lập di ngôn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ, cũng có nghĩa rằng nếu trường hợp sau 03 tháng kể từ ngày di ngôn đươc lập mà người lập di ngôn còn sống, nhưng rơi vào trạng thái lú lẫn … hay còn gọi là sống thực vật thì hiệu lực của di ngôn vẫn còn giá trị thi hành khi người lập di ngôn chết.
Qua những điều kiện kể trên, để có một bản di ngôn hợp pháp thì cần xét đến rất nhiều yếu tố, do đó, để tránh rủi ro pháp lý, tranh chấp, kiện tụng không đáng có, chúng ta muốn lập Di chúc, thì cần cố gắng lập bằng Văn bản có công chứng tại Văn phòng/Phòng công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban xã. Bởi một bản ghi âm, thậm chí là ghi hình có âm thanh vẫn chưa được coi là Di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.
Mọi nhu cầu hỗ trợ về pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Lô 09 khu N1 ngõ 1, Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222
Chuyên viên : Huyền Vũ