CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG NĂM 2024: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Nhằm nâng cao, cải thiện chất lượng đời sống người lao động, cán bộ, công chức, viên chức, ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15  về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó có đề cập nội dung về cải cách tiền lương. Trong phạm vi bài viết dưới đây, WINLEGAL sẽ giúp bạn những điểm mới của Nghị quyết này.

I. Cơ sở pháp lý

  • Nghị quyết 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024
  • Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp
  • Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022
  • Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
  • Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

II. Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới từ ngày 01/07/2024

Từ ngày 01/07/2024, tiếp tục thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương bao gồm điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW  ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, nội dung cải cách cụ thể như sau:

1. Đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)

Cơ cấu tiền lương mới được thiết kế bao gồm 2 thành phần chính là: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Ngoài ra bổ sung tiền thường (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Cùng với đó, ban chấp hành trung ương xây dựng, ban hành 05 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:

– Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc:

  • Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị;
  • Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại mức lương theo cả chiều ngang (các bộ, ngành, ban, ủy ban) và chiều dọc (trung ương đến địa phương) trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

– Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

– Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm:

  • 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
  • 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an
  • 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

2. Đối với người lao động trong doanh nghiệp

Về mức lương tối thiểu vùng, tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo mức sống của người lao động qua từng năm, phù hợp với từng thời kỳ. Điều này được thể hiện rõ thông qua 2 Nghị định gần đây nhất là Nghị định 90/2019/NĐ-CPNghị định 38/2022/NĐ-CP thông qua việc tăng lương tối thiểu vùng.

Nguồn kinh phí của hoạt động cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.

III. Bỏ cơ chế thu nhập đặc thù của cơ quan nhà nước từ ngày 01/7/2024

Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 104/2023/QH15, Quốc hội quyết nghị đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:

(1) Từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024:

Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

(2) Từ ngày 01/7/2024:

Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,…) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Như vậy, cơ chế thu nhập đặc thù của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước sẽ bị bãi bỏ từ ngày 01/7/2024.

IV. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu để dành nguồn cải cách tiền lương từ 01/7/2024

Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 104/2023/QH15, Quốc hội quyết nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15, gồm các khoản:

– Thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định;

– Thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa;

– Phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới;

– Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu;

– Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

– Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

– Thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã;

– Thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

 Trên đây là những nội dung mới nhất về chính sách cải cách tiền lương sẽ được áp dụng và thực hiện trong năm 2024. Mọi thắc mắc và nhu cầu tư vấn quý độc giả vui lòng liên hệ về:

 CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 20/12/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *