Bán hàng trên nền tảng Shopee, Lazada có cần đăng ký kinh doanh không?

Trong những năm gần đây, các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada đã trở thành điểm đến phổ biến và là lựa chọn hàng đầu của cả người bán lẫn người tiêu dùng trên khắp đất nước. Với sự đa dạng về giá cả và chất lượng sản phẩm, hai nền tảng này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày mà còn giúp người tiêu dùng nhanh chóng tiếp cận những xu hướng mới nhất trên thị trường. Vậy việc bán hàng trên các nền tảng trực tuyến như vậy có cần đăng ký kinh doanh hay không? Luật Winlegal sẽ giúp bạn đọc giải đáp trong bài viết về việc đăng ký kinh doanh khi bán hàng trên nền tảng trực tuyến.

1. Đăng ký kinh doanh là gì?

Đăng ký kinh doanh là sự ghi nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý sự ra đời của chủ thể kinh doanh. Văn bản này gọi là giấy phép kinh doanh hay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Giấy phép kinh doanh giúp các doanh nghiệp công khai minh bạch, pháp lý hóa hoạt động kinh doanh, đảm bảo sự uy tín và những lợi ích khác của doanh nghiệp.

2. Vì sao cần đăng ký kinh doanh?

– Đảm bảo về mặt pháp lý cho hoạt động kinh doanh: Khi đăng ký kinh doanh, tổ chức hoặc cá nhân sẽ được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh (hoặc Giấy phép kinh doanh) từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giấy chứng nhận này xác nhận việc hoạt động kinh doanh là hợp pháp và tuân thủ các quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Không những vậy, khi tính pháp lý được đảm bảo, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc nhận hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ, ngân hàng và tổ chức tài chính khác như vay vốn, hợp tác đầu tư, hoặc tham gia các chương trình khuyến khích phát triển kinh tế.

– Nâng cao sự uy tín, tạo dựng lòng tin cho khách hàng: Việc kinh doanh của doanh nghiệp được hợp pháp hóa đi kèm với trách nhiệm của doanh nghiệp phải được đề cao. Vì vậy, chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng phải qua kiểm chứng an toàn và đạt chất lượng tối đa. Đây chính là cơ sở để khách hàng tin tưởng giao dịch.

– Tạo niềm tin, thu hút vốn đầu tư: Giấy phép kinh doanh là cơ sở để nhà đầu tư dựa vào đó xác định vốn đầu tư của họ “đổ” vào doanh nghiệp sẽ không được sử dụng vào các hoạt động phi pháp hoặc có rủi ro pháp lý cao. 

Chú thích: Thu hút vốn đầu tư

3. Những ngành, nghề nào không cần đăng ký kinh doanh?

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về những cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên mà không phải đăng ký kinh doanh như sau:

– Bán hàng không có địa điểm cố định: bán hàng rong, buôn bán vặt, buôn bán dạo, dịch vụ đánh giày, gửi xe, bán vé số…

– Buôn bán theo chuyến lấy hàng từ nơi khác sau đó về bán lại cho người mua buôn hoặc là mua lẻ.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số hoạt động kinh doanh sau cũng không cần đăng ký kinh doanh:

Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối

– Kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp (Mức thu nhập thấp này sẽ do UBND tỉnh quy định)

Như vậy, dựa vào hai Nghị định đã đề cập ở trên, có thể thấy kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ, thu nhập dịch vụ thấp, không có địa điểm cụ thể sẽ không cần đăng ký kinh doanh.

4. Kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada có cần đăng ký kinh doanh hay không?

Chú thích: Sàn thương mại điện tử

Căn cứ theo 02 Nghị định về những ngành nghề không cần đăng ký kinh doanh đã đề cập trên đây, nếu bạn chỉ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ với số lượng ít, thu nhập thấp trên Shopee, Lazada… thì bạn có thể không cần đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, đa số việc kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử thường kinh doanh với quy mô, số lượng lớn, trong trường hợp này thì bạn bắt buộc phải đăng ký kinh doanh. Nếu bạn không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh thì căn cứ theo quy định của pháp luật, bạn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy mỗi trường hợp căn cứ tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, khi đăng ký kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, bạn sẽ được các ứng dụng hỗ trợ giá cả, dịch vụ; hưởng các chính sách thúc đẩy thuận lợi trong việc mua bán; tạo sự uy tín, dễ tiếp cận tới mọi đối tượng khách hàng.

5. Thủ tục đăng ký kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử

Phụ thuộc vào quy mô kinh doanh của bạn trên các sàn thương mại điện tử, bạn có thể lựa chọn một trong hai hình thức đăng ký kinh doanh là đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập doanh nghiệp, công ty.

Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu chi tiết về các thủ tục đăng ký kinh doanh, xin vui lòng liên hệ tới chúng tôi, Luật Winlegal luôn sẵn lòng tư vấn, hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc của bạn. 

Trên đây là những thông tin giải đáp cho câu hỏi về đăng ký kinh doanh cho hoạt động kinh doanh, buôn bán trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada. Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu thêm các thông tin hữu ích, hãy liên hệ đến chúng tôi theo hotline 0246.29.33.222/0976.718.066. Tại Công Ty Luật TNHH Winlegal có đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích khác. 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên Viên: Quỳnh Hương

Ngày xuất bản: 20/06/2024

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *