Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho người lao động khuyết tật để học có thể làm việc và cống hiến giống như những người lao động bình thường khác. Pháp luật cũng đã quy định cụ thể về việc sử dụng lao động khuyết tật để bảo đảm các quyền lợi của họ. Trong phạm vi bài viết này, công ty luật Winlegal sẽ làm rõ quy định của pháp luật về sử dụng lao động khuyết tật.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
- Luật người khuyết tật 2010
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
2. Lao động khuyết tật
Hiện nay pháp luật không quy định thế nào là lao động khuyết tật. Nhưng có thể hiểu Lao động khuyết tật là (Người) lao động có bộ phận của cơ thể (chân, tay, cột sống…) bị khuyết tật, chức năng của cơ thể (nghe, nhìn…) bị tổn thương nên khả năng lao động của họ bị suy giảm.
3. Việc làm đối với người khuyết tật
Theo quy định tại điều 33 luật người khuyết tật 2010 thì:
– Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật.
– Tổ chức giới thiệu việc làm có trách nhiệm tư vấn học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.
– Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ.
Có thể thấy, nhà nước đang tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động khuyết tật có cơ hội được làm việc như những người lao động bình thường khác.
4. Quy định về sử dụng lao động là người khuyết tật
Theo Điều 159 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về sử dụng lao động là người khuyết tật như sau:
– Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.
– Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.
5. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật
Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật được quy định tại Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
– Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
– Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
6. Xử phạt vi phạm khi sử dụng người lao động khuyết tật trái pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt quy định về người lao động khuyết tật thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:
– Không tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ;
– Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên hoặc khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
Trên đây là những giải đáp một số vấn đề về sử dụng người lao động khuyết tật theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My