Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp vấn đề người lao động đang thử việc có bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp không.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
- Luật việc làm 2013
- Nghị định 61/2020/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp
2. Thử việc là gì?
Thử việc là quá trình các bên làm thử trong một thời gian nhất định để đánh giá năng lực, trình độ, ý thức, điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động…. trước khi quyết định ký kết hợp đồng lao động chính thức. Từ thời gian thử việc này, bên sử dụng lao động có thể đánh giá được năng lực và hiệu quả công việc, người lao động cũng biết xem mình có phù hợp với công việc, môi trường làm việc và các chế độ khác hay không từ đó đưa ra kết luận có làm việc chính thức hay không.
Pháp luật cho phép các bên thỏa thuận về vấn đề thử việc bởi Khoản 1 Điều 24 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”
3. Trợ cấp thất nghiệp
Trợ cấp thất nghiệp là một trong các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm, học nghề và tìm việc làm mới trên cơ sở khoản trích tiền lương đã đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Điều 42 Luật Việc Làm năm 2013, 4 quyền lợi của chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động gồm có:
1) Được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
2) Được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm mới.
3) Được hỗ trợ học nghề.
4) Được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Như vậy, trợ cấp thất nghiệp là một trong 4 quyền lợi mà người lao động được nhận khi tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
4. Đang thử việc có bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
Những trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Khoản 3 Điều 53 Luật việc làm 2013 bao gồm:
“3.Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;
b) Tìm được việc làm;
c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
d) Hưởng lương hưu hằng tháng;
đ) Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;
e) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;
g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;
k) Chết;
l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
m) Bị tòa án tuyên bố mất tích;
n) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.”
Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về cụm từ “có việc làm” theo điểm b khoản 3 Điều 53 Luật việc làm 2013 như sau:
Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:
Người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
– Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm;
– Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh;
– Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.
Căn cứ vào điều khoản trên ta có thể thấy thời gian thử việc không được coi là có việc làm. Do đó, bạn vẫn có thể nhận trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian thử việc. Đến thời điểm hết thời gian thử việc và giao kết hợp đồng chính thức bạn sẽ chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo điểm b khoản 3 Điều 53 Luật việc làm 2013.
Trên đây là những giải đáp về vấn đề đang thử việc có bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My