Trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Trong trường hợp bên giao hàng giao hàng không phù hợp với loại hàng hóa đã được giao kết trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Lúc này cần phải xử lý như thế nào, bên giao hàng sẽ phải chịu những trách nhiệm gì? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề hàng hóa không phù hợp với hợp đồng theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý 

II. Hàng hóa và hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?

– Có thể nhận định rằng hàng hóa là những động sản đã tồn tại vào thời điểm xác lập hợp đồng hoặc sẽ hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai (mà không phải là đất đai).

– Hợp đồng mua bán hàng hóa là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên trong hoạt động thương mại, cụ thể được quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005 và Điều 385 BLDS 2015. Khi đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận.

III. Trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Thương mại 2005, trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;

+ Hàng hóa “không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại” được hiểu là hàng hóa đó không đạt được một mức quy chuẩn nhất định về chất lượng, mẫu mã, đặc tính… có thể mua bán trong thương mại.

+ Việc xác định mức quy chuẩn này có thể xác định dựa trên mức giá ấn định trong hợp đồng; hay nói cách khác là khi bên mua nhận hàng hóa và bán lại trên thị trường ở điều kiện tương tự nhưng hàng hóa lại bị khiếm khuyết đến mức không thể bán lại hoặc có thể bán nhưng với mức giá bị giảm so với hợp đồng và hàng hóa cùng chủng loại.

– Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

+ Khi giao kết hợp đồng, bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng mục đích cụ thể cho bên mua trong các trường hợp sau:

  • Một là, trường hợp bên mua đã công khai cho bên bán biết về mục đích của hàng hóa và bên bán không phản đối;
  • Hai là, bên bán có thể không biết về mục đích của hàng hóa do bên mua không công khai thông báo, nhưng lại thuộc trường hợp bên bán “phải biết” về mục đích này.

Hiện nay, nội dung này vẫn còn chưa được giải thích cụ thể cũng như chưa có cách hiểu thống nhất khi có tranh chấp phát sinh trong trường hợp này. Thế nhưng, nhìn chung có thể hiểu nó là những yêu cầu từ quy chuẩn ứng xử chung của xã hội, tập quán thương hay theo quy định của pháp luật có liên quan.

– Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua

Hàng mẫu là sản phẩm mà bên bán dùng để công khai chất lượng hàng hóa với bên mua. Do đó, hàng mẫu chính là cơ sở để bên mua so sánh và xác định bên bán có giao hàng phù hợp với hợp đồng hay không cũng như ràng buộc nghĩa vụ của bên bán đối với chất lượng của hàng hóa sẽ giao.

Tuy nhiên, nếu bên bán thông báo công khai cho bên mua rằng hàng hóa được giao sẽ không đảm bảo chất lượng như chất lượng của hàng mẫu và được bên mua chấp nhận thì bên bán sẽ không chịu trách nhiệm về việc này.

– Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.

Cách thức bảo quản thông thường được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau như đặc tính hàng hóa; cách thức – thời hạn vận chuyển, khí hậu; tập quán thương mại,…

Theo pháp luật hiện hành, trong trường hợp nếu bao bì đóng gói hàng hóa không phù hợp nhưng hàng hóa vẫn được bản quản, không hư hỏng thì bên bán sẽ không vi phạm nghĩa vụ trên nếu mục đích duy nhất của việc đóng gói, bao bì là để bảo quản hàng hóa. Mặt khác, nếu bao bì, đóng gói là một phần không thể tách rời của hàng hóa thì đó vẫn được xem là vi phạm nghĩa vụ.

Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo một trong các trường hợp nêu trên

IV. Biện pháp khắc phục trong trường giao hàng không phù hợp với hợp đồng hoặc giao thừa hàng

– Theo quy định tại Điều 41 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp có thỏa thuận khác thì bên bán vẫn có thể thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.

– Khi bên bán thực hiện việc khắc phục trong trường hợp nêu trên mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.

V. Trách nhiệm của bên bán trong trường hợp giao hàng không đúng hợp đồng

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định tại Điều 40 Luật Thương mại 2005 như sau:

(1) Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

(2) Trừ trường hợp (1) nêu trên, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật Thương mại 2005, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;

(3) Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.

Trên đây giải đáp về vấn đề giao hàng hóa không đúng theo hợp đồng mua bán. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 07/11/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *