Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 ra đời nhằm nội luật hóa các điều ước quốc tế về thuế quan trong khuôn khổ WTO mà Việt Nam là thành viên. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về thuế nhập khẩu tại Việt Nam trong bài viết dưới đây nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
- Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu năm 2016.
Mục lục
1. THUẾ NHẬP KHẨU LÀ GÌ?
Thuế nhập khẩu hàng hóa là khoản thu bắt buộc của ngân sách nhà nước mà các tổ chức, cá nhân nộp cho nhà nước khi có hành vi dịch chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia ngoài nước vào trong nước đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
2. ĐẶC ĐIỂM CỦA THUẾ NHẬP KHẨU
– Thứ nhất, không đánh thuế với dịch vụ.
- Theo Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu 2016, đối tượng chịu thuế nhập khẩu không bao gồm dịch vụ.
- Dịch vụ cũng được nhập khẩu nhưng Luật thuế nhập khẩu hàng hóa ở Việt Nam và một số quốc gia đều không quy định dịch vụ là đối tượng chịu thuế. Bởi lẽ, xuất phát từ tính chất vô hình của dịch vụ nên cơ quan Hải quan khó lòng kiểm soát được.
– Thứ hai, hàng hóa nhập khẩu phải hợp pháp. Hợp pháp ở đây phải hiểu theo hai nghĩa: (i) Hàng hóa phải hợp pháp trong đất nước mà hàng hóa đó lưu thông; (ii) Hàng hóa phải được nhập khẩu bằng con đường hợp pháp.
– Thứ ba, tính chất đi qua biên giới quốc gia cả hàng hóa.
- Biên giới quốc gia trong pháp luật về thuế nhập khẩu hàng hóa được hiểu là biên giới hải quan.
- Biên giới hải quan không chỉ xác định về mặt địa lý biên giới lãnh thổ quốc gia mà còn được xác định là biên giới giữa khu thuế quan và khu phi thuế quan.
– Thứ tư, thuế nhập khẩu hàng hóa mang tính lưỡng tính.
- Thuế nhập khẩu hàng hóa không hoàn toàn là thuế trực thu hoặc thuế gián thu. Bởi lẽ, khi một nhà nhập khẩu nộp thuế nhập khẩu hàng hóa và tự tiêu dùng hàng hóa đó khoản thuế nhập khẩu hàng hóa đã nộp có tính chất là thuế trực thu do người nhập khẩu và người chịu thuế là một.
- Khi nhà nhập khẩu đã nộp xong thuế nhập khẩu hàng hóa và bán lại số hàng hóa đó cho người khác thì số tiền thuế nhập khẩu hàng hóa đã nộp có xu hướng chuyển sang cho người mang hàng chịu. Do đó, khoản thuế nhập khẩu hàng hóa này có tính chất gián thu do người nộp thuế và người chịu thuế không phải một.
– Thứ năm, Hải quan quản lý thu.
- Thuế nhập khẩu hàng hóa gắn liền với biên giới quốc gia mà Hải quan là một ngành có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Việc thu thuế nhập khẩu hàng hóa sẽ do cơ quan Hải quan đảm nhận quản lý thu.
3. NỘI DUNG PHÁP LÝ VỀ THUẾ NHẬP KHẨU
3.1 Về chủ thể thu thuế nhập khẩu
- Chủ thể thu thuế là cơ quan Hải quan cùng với các cơ quan phối hợp: Bộ tài chính, Kho bạc nhà nước, Tổng cục thuế, Ủy ban nhân dân các cấp…
- Cho dù bản chất của thuế nhập khẩu hàng hóa mang tính lưỡng tính nhưng chủ thể nộp thuế nhập khẩu hàng hóa xét về cả tính gián thu và tính trực thu đều là chủ thể nhập khẩu.
3.2 Về phạm vi áp dụng
- Thứ nhất, đối tượng chịu thuế. Theo Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu 2016, hàng hóa dịch chuyển qua cửa khẩu, biên giới; hàng hóa chuyển dịch từ các khu phi thuế quan như kho bảo thuế, khu bảo thuế hay kho ngoại giao vào thị trường; hàng hóa chuyển dịch của cư dân biên giới trừ trường hợp mua phục vụ đời sống và hàng hóa nhập khẩu tại chỗ, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối thì sẽ là đối tượng chịu thuế.
- Thứ hai, đối tượng không chịu thuế. Theo khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu 2016, hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu, hàng hóa chuyển khẩu vì mục đích nhân đạo, hàng hóa chuyển dịch giữa các khu thuế quan nằm trên một quốc gia, dầu khí là những đối tượng không chịu thuế.
3.3 Về căn cứ tính thuế
Khoản 1 Điều 8 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu 2016 quy định: “Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong tờ khai hải quan, giá tính thuế, thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%); đối với mặt hàng áp dụng thuế tuyệt đối thì căn cứ tính thuế là số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong tờ khai hải quan và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa”.
Trên đây là những nội dung pháp luật về Thuế nhập khẩu tại Việt Nam, WINLEGAL chia sẻ đến bạn đọc. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 18/10/2023