Lưu ý khi kinh doanh dịch vụ Logistics

Dịch vụ Logistics đang ngày càng phát triển ở nước ta. Hiện nay có rất nhiều thương nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ này. Vậy khi kinh doanh dịch vụ này thương nhân cần phải lưu ý những điều gì? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn tìm hiểu về những vấn đề cần lưu ý khi kinh doanh dịch vụ Logistics.

1. Cơ sở pháp lý

– Luật thương mại 2005
– Nghị định 163/2017/NĐ-CP Quy định về kinh doanh dịch vụ logistics

2. Dịch vụ logistics là gì?

Theo Điều 233 Luật Thương mại 2005, dịch vụ logistics được định nghĩa là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

3. Những lưu ý khi kinh doanh dịch vụ Logistics

3.1 Các loại dịch vụ Logistics

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP dịch vụ Logistics gồm những loại sau:
-Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay
-Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
-Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
-Dịch vụ chuyển phát.
-Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
-Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).
-Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.
-Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.
-Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.
-Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.
-Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.
-Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.
-Dịch vụ vận tải hàng không.
-Dịch vụ vận tải đa phương thức.
-Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật
-Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
-Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.

3.2 Điều kiện kinh doanh dịch vụ Logistics

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.

– Doanh nghiệp tiến hành dịch vụ này phải trang bị phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
Nhà đầu tư nước ngoài muốn kinh doanh dịch vụ logistics ngoài đáp ứng các điều kiện trên còn phải đáp ứng các điều kiện của từng dịch vụ cụ thể và điều ước quốc tế mà nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng.
Như vậy để kinh doanh dịch vụ Logistics thương nhân phải đáp ứng các điều kiện của từng loại hình dịch vụ cụ thể theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra đối với nhà đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng các điều kiện của điều ước quốc tế

3.3 Quyền cầm giữ và định đoạt của doanh nghiệp logistics

– Trường hợp đã đến hạn mà khách hàng chưa thanh toán đủ tiền, doanh nghiệp logistics được quyền cầm giữ một số lượng hàng hóa nhất định và các chứng từ liên quan (có thông báo bằng văn bản cho khách hàng biết về việc cầm giữ).
– Sau 45 ngày kể từ ngày thông báo, nếu khách hàng không thanh toán đủ tiền nợ thì doanh nghiệp logistics có quyền định đoạt đối với hàng hóa hoặc các chứng từ có liên quan (có thông báo bằng văn bản cho khách hàng biết về việc định đoạt).
– Mọi chi phí cầm giữ và định đoạt hàng hóa do khách hàng chịu.
Như vậy, khi khách hàng không thanh toán đủ tiền thì doanh nghiệp Logistis có quyền cầm giữ hàng hóa, chứng từ liên quan và chi phí cầm giữ sẽ do khách hàng chi trả

3.4. Miễn trách nhiệm bồi thường đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này không tránh khỏi những rủi ro. Tuy nhiên, không phải tổn thất nào doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm. Pháp luật quy định một số rủi ro mà doanh nghiệp được miễn trách nhiệm bồi thường về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh, cụ thể như sau:
– Do các bên thỏa thuận.
– Có sự kiện bất khả kháng.
– Do khuyết tật hàng hóa.
– Tổn thất do lỗi hoàn toàn của khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền.
– Tổn thất phát sinh do doanh nghiệp làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc người được khách hàng uỷ quyền.
– Tổn thất thuộc trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải (nếu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải).
– Doanh nghiệp không nhận được khiếu nại trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày doanh nghiệp giao hàng cho người nhận.
– Doanh nghiệp không nhận được thông báo về việc bị kiện trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày giao hàng.
– Doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.
– Do quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Có thể thấy, khi doanh nghiệp Logistics vi phạm gây tổn thất cho khách hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu doanh nghiệp Logistics thuộc một trong các trường hợp trên.

3.5. Giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics

Khi rủi ro phát sinh mà doanh nghiệp không thuộc một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo tiêu chí sau:– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan đến từng dịch vụ logistics cụ thể.
– Nếu pháp luật liên quan không có quy định giới hạn trách nhiệm thì các bên thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại do hàng hóa bị tổn thất.
– Nếu các bên không có sự thỏa thuận thì thực hiện việc bồi thường như sau:
+ Trường hợp khách hàng không có thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường.
+ Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được doanh nghiệp xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
– Nếu doanh nghiệp thực hiện công việc qua nhiều công đoạn với giới hạn trách nhiệm khác nhau thì doanh nghiệp phải chịu mức giới hạn trách nhiệm cao nhất đối với khách hàng.

Như vậy, Doanh nghiệp Logistics khi vi phạm gây ra thiệt hại cho khách hàng sẽ không phải bồi thường toàn bộ thiệt hại hay những khoản chi phí khác liên quan nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Trên đây là những giải đáp về vấn đề những lưu ý của doanh nghiệp khi kinh doanh dịch vụ Logistics. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *