Nguyên tắc đánh thuế của nhà nước là hệ thống quan điểm chỉ đạo chi phối sâu sắc việc đề ra hoặc xoá bỏ hệ thống thuế của một quốc gia, có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình vận hành của hệ thống pháp luật thuế. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về nguyên tắc đánh thuế của nhà nước ta trong bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. THUẾ LÀ GÌ?
Theo quan niệm chung, thuế là khoản thu của ngân sách nhà nước, một nghĩa vụ phải thanh toán của các tổ chức, cá nhân bằng tiền hoặc hiện vật, một lần hoặc thường xuyên dựa trên cơ sở các văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành theo nguyên tắc bắt buộc không bồi hoàn trực tiếp.
2. NGUYÊN TẮC ĐÁNH THUẾ CỦA NHÀ NƯỚC
2.1 Nguyên tắc đảm bảo công bằng
- Công bằng là sự hợp lý, không bất công mà mỗi cá nhân hay tổ chức nhận được khi họ tham gia vào các quan hệ với tư cách ngang bằng nhau.
- Nguyên tắc công bằng là mọi đối tượng có năng lực chịu thuế đều phải nộp thuế và mọi người có điều kiện liên quan đến thuế như nhau, phải được đối xử về thuế như nhau. Tuy nhiên lại có quan điểm cho rằng, việc áp dụng như nhau sẽ không công bằng do mỗi đối tượng chịu thuế có mức thu nhập và mức chi tiêu khác nhau. Vậy sự công bằng ở đây không phải là cào bằng, là ngang bằng một cách máy móc mà pháp luật về thuế đã có những quy định về áp dụng mức thuế suất khác nhau cho từng đối tượng.
- Mặt khác, ở những điều kiện nhất định chủ thể chịu thuế có thể được giảm thuế, thậm chí là miễn thuế.
- Nguyên tắc công bằng là điều cơ bản để có thể xây dựng hệ thống pháp luật nên pháp luật thuế càng cần phải đảm bảo nguyên tắc này vì nó sẽ tạo động lực và niềm tin cho các chủ thể tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh.
- Đây cũng là nguyên tắc được thể hiện xuyên suốt hệ thống pháp luật thuế do không chỉ là nguyên tắc thu thuế mà còn là nguyên tắc cơ bản để xây dựng hệ thống pháp luật về thuế.
2.2 Nguyên tắc đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế
- Không có chủ thể nào muốn đóng số tiền thuế lớn vào ngân sách nhà nước nên nếu như việc thu thuế quá lớn thì sẽ gây áp lực cho người lao động, cho doanh nghiệp và từ đó dẫn đến tình trạng trốn thuế. Khi người chịu thuế trốn thuế thì nguồn thu ngân sách nhà nước không đảm bảo, lại không đủ vốn để thực hiện các hoạt động chi tiêu cần thiết cho hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như thực hiện nhiệm vụ công.
- Chính vì vậy, đây là yêu cầu quan trọng để đảm bảo tính “trung lập” của thuế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc hài hòa lợi ích giữa người chịu thuế và Nhà nước là một vấn đề không hề dễ dàng và gây nhức đầu cho các nhà lập pháp, hành pháp trên thực tế.
- Vì vậy, nhà nước cần phải cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng để đưa ra các khoản nộp thuế, mức thuế suất hợp lý dựa trên tiêu chí tính những gì dân phải đóng góp chứ không phải tính những gì dân có thể đóng góp. Đây cũng là một trong những yếu tố dễ dẫn tới sự thay đổi trong chế độ chính sách thuế.
2.3 Nguyên tắc đảm bảo rõ ràng, hiệu quả
- Nội dung nguyên tắc này là việc ban hành một văn bản pháp luật về thuế, văn bản giải thích, hướng dẫn phải dễ hiểu, chi tiết và cụ thể để tất cả các đối tượng khi đọc đều có thể hiểu được thì họ mới có thể áp dụng và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ quản lý thuế của mình được.
- Không chỉ vậy, hệ thống thuế phải được tổ chức sao cho chi phí quản lý thu thuế không cao hơn mức mà mục tiêu đề ra cho phép.
- Mặt khác, tính dễ hiểu cần được hướng đến sự ổn định lâu dài thì mới đạt hiệu quả cao được. Tránh việc quy định này trong khoản thời gian này thì dễ áp dụng nhưng đến một vài năm sau thì gây khó hiểu, khó khăn trong việc áp dụng.
2.4 Nguyên tắc tránh đánh thuế hai lần
- Nguyên tắc này đảm bảo rằng một đối tượng tính thuế không phải chịu một loại thuế nhiều lần, điều này khác với một đối tượng chịu nhiều loại thuế.
- Ở Việt Nam, từ năm 1990 trở lại đây, thực hiện đường lối đổi mới, hệ thống pháp luật thuế được ban hành và thực hiện thống nhất cho các đối tượng nộp thuế. Nhà nước Việt Nam xác định những nguyên tắc pháp lý cơ bản nêu trên như những yêu cầu xuyên suốt trong việc ban hành pháp luật, tổ chức và quản lý thu thuế.
- Để hạn chế việc đánh thuế hai lần, Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần DTAAs với 80 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2020.
- Việc đề ra và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc đánh thuế mà Nhà nước đặt ra góp phần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý thuế.
Trên đây là nội dung về nguyên tắc đánh thuế của nhà nước, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 26/10/2023