Định giá tài sản là biện pháp thu thập chứng cứ (TTCC) có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ việc dân sự (VVDS). Qua đó, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự (ĐS) được đảm bảo. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về biện pháp định giá tài sản trong bài viết dưới đây nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Mục lục
1. ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN LÀ GÌ?
- Định giá tài sản là biện pháp TTCC của Tòa án theo yêu cầu của ĐS hoặc trong trường hợp pháp luật Tố tụng dân sự (TTDS) quy định nhằm xác định giá trị của tài sản trong VVDS, lấy đó làm căn cứ để giải quyết quan hệ pháp luật nội dung có tranh chấp.
- Biện pháp TTCC của Tòa án trong TTDS là cách thức, phương pháp mà pháp luật TTDS quy định cho Tòa án trong những điều kiện nhất định được áp dụng để tìm, phát hiện, thu giữ và ghi nhận thêm những bằng chứng cần thiết dùng làm căn cứ cho việc giải quyết VVDS.
2. QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
– Biện pháp định giá tài sản được quy định tại Điều 104 BLTTDS 2015.
– Thứ nhất, về căn cứ định giá tài sản.
- Toà án chủ động ra quyết định định giá tài sản hoặc ra quyết định định giá tài sản theo yêu cầu của một hoặc các bên ĐS.
- Tòa án chủ động ra quyết định định giá tài sản: (i) Các ĐS không thoả thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thoả thuận được giá tài sản; (ii) Các bên thoả thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
- Như vậy, Tòa án có thể tiến hành định giá tài sản khi có yêu cầu của ĐS. Trường hợp tại khoản 3 Điều 104, Tòa án chủ động ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp mà không cần có yêu cầu của ĐS nhằm tạo điều kiện chủ động hơn cho Tòa án trong việc tiến hành định giá tài sản mà không cần có yêu cầu của một hoặc các bên ĐS.
– Thứ hai, về chủ thể thực hiện hoạt động định giá tài sản.
- Khi tiến hành định giá, Toà án phải ra quyết định thành lập Hội đồng định giá. Việc định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản thực hiện.
- Để đảm bảo sự vô tư, công minh của các thành viên trong quá trình định giá tài sản thì nhà làm luật đã bổ sung các trường hợp thành viên Hội đồng định giá tài sản phải từ chối tham gia Hội đồng định giá nếu họ đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó và trường hợp tại Điều 52 BLTTDS 2015.
- Việc định giá tài sản phải được thể hiện trong biên bản. Biên bản phải phản ánh giá trị của từng tài sản được Hội đồng định giá xác định, ý kiến của từng thành viên của Hội đồng và của ĐS nếu họ tham dự. Đồng thời, các thành viên của Hội đồng, ĐS và người chứng kiến phải ký tên vào biên bản.
- Khoản 1 Điều 104 BLTTDS 2015 quy định: “Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp”. Theo đó, khi có tranh chấp về giá trị tài sản, nếu các bên thỏa thuận được về giá trị khối tài sản đang tranh chấp hoặc cung cấp được giá tài sản thì Toà án tôn trọng sự quyết định của các ĐS trong việc định giá tài sản.
Trên đây là những nội dung cần thiết về hoạt động định giá tài sản trong TTDS, WINLEGAL chia sẻ đến bạn đọc. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 16/10/2023