Điều kiện người nước ngoài nhận nuôi con nuôi

Có rất nhiều người nước ngoài muốn nhận con nuôi tại Việt Nam. Vậy để có thể được nhận con nuôi thì họ cần đáp ứng những điều kiện nào? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

2. Nuôi con nuôi là gì?

Theo cách hiểu đơn giản thì Con nuôi là con không do vợ, chồng trong một gia đình sinh ra, mà do nhận con của người khác về nuôi dưỡng, chăm sóc và xem con nuôi như con đẻ.

Từ định nghĩa trên có thể hiểu 

– Con nuôi là người không phải do cha, mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc sinh ra, giữa hai bên không có quan hệ sinh thành.

– Là người được một người hoặc hai người là vợ chồng nhận làm con.

– Hai bên có quan hệ cha mẹ và con với nhau.

Theo quy định của pháp luật:

Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký (khoản 3 điều 3 luật nuôi con nuôi 2010)

3. Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài.

4. Các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Điều 28 Luật Nuôi con nuôi quy định các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài như sau:

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây:

+ Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi;

+ Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

+ Có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi;

+ Nhận trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi;

+ Là người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 01 năm.

– Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi.

– Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam. 

5. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

Theo điều 29 luật nuôi con nuôi 2010 dẫn chiếu đến điều 14 luật nuôi con nuôi 2010 thì điều kiện để người nước ngoài nhận nuôi con nuôi là:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

– Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

– Có tư cách đạo đức tốt.

Ngoài ra những người nước ngoài sau đây không được nhận con nuôi:

– Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

– Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

– Đang chấp hành hình phạt tù;

– Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

6. Việc hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu được quy định như thế nào?

Điều 30 Luật Nuôi con nuôi quy định việc hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu như sau:

Giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ của người nhận con nuôi, hồ sơ của tổ chức con nuôi nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng ở Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề điều kiện nhận nuôi con nuôi của người nước ngoài theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *