Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Hiến pháp năm 2013
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Mục lục
I. Quy định về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn theo Bộ luật Hình sự
Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.“
Theo đó, cưỡng ép kết hôn, được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác để buộc người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ.
Cưỡng ép ly hôn là bắt vợ chồng phải ly hôn trong khi họ mong muốn duy trì quan hệ hôn nhân. Biểu hiện dưới các hành vi như đối xử tàn tệ, gây đau khổ về thể xác hay tinh thần cho vợ chồng; đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản cho bản thân người vợ hoặc chồng… làm cho người vợ hoặc chồng phải ly hôn khi họ mong muốn duy trì mối quan hệ.
II. Dấu hiệu cấu thành tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn
1. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm nói chung và của các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình nói riêng là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình cũng là chủ thể của tội phạm này, mà chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định mới là chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn thuộc loại tội ít nghiêm trọng. Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ thể của tội phạm cũng phải có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự gồm năng lực nhận thức hoặc năng lực làm chủ hành vi. Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi khi không có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ có thể được xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự.
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kì ai. Tuy nhiên trong một số hành vi đặc biệt như hành vi hành hạ, ngược đãi nạn nhân, chủ thể của những hành vi này thường là người có mối liên hệ nhất định đối với nạn nhân. Chủ thể của tội phạm có thể là một cá nhân nhưng cũng có thể có đồng phạm cùng thực hiện hoặc một người thực hiện hành vi phạm tội còn những đồng phạm khác có trách nhiệm lên kế hoạch, chuẩn bị tinh thần, công cụ để người thực hành thực hiện hành vi phạm tội.
2. Khách thể của tội phạm
Điều 36 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Điều 36.
1. Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ,…”
Kết hôn, ly hôn là một trong những quyền cơ bản của con người nhưng phải tuân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ,…
Để cụ thể hóa quyền này, Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng…”
Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện là hành vi xâm phạm đến quyền kết hôn, ly hôn của công dân và chế độ hôn nhân và gia đình.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền kết hôn, ly hôn – quyền tự do cơ bản của công dân, chế độ hôn nhân và gia đình cũng như những quy phạm pháp luật điều chỉnh về chế độ hôn nhân và gia đình của con người.
3. Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ thực hiện hành vi của mình do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là cưỡng ép hoặc cản trở người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Đối với tội cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyên, tiến bộ người phạm tội bao giờ cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
4. Mặt khách quan
Cưỡng ép người khác kết hôn hoặc ly hôn trái với sự tự nguyện của họ là thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với nguyện vọng của họ. Trong điều kiện xã hội ngày một văn minh, thì hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ lại bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn trước, ngay việc yêu sách của cải cũng không còn trắng trợn, mang tính chất phong kiến như trước, mà nó tinh vi, khó nhận thấy.
Hậu quả của hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là những thiệt hại về vật chất, tinh thần mà người phạm tội gây ra cho người khác và cho xã hội. Hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ có thể gây ra một trong những thiệt hại sau: Làm cho việc kết hôn, ly hôn trái với sự tự nguyện của một bên hoặc cả hai bên nam và nữ. Làm cho việc kết hôn, ly hôn tự nguyên tiến bộ không thực hiện được. Làm cho quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ không được duy trì, bị tan vỡ. Gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Gây ra dư luận xấu trong xã hội ảnh hưởng xấu đến chính sách của Đảng và Nhà nước về các quyền của công dân, nhất là đối với chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn về các dấu hiệu cấu thành tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính: Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Ms. Thương
Ngày xuất bản: 18/12/2023