BẤT CẬP TRONG QUÁ TRÌNH ÁP DỤNG HOÃN THI HÀNH ÁN

Hoãn thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động do Thủ trưởng cơ quan THADS đã ra quyết định THA ban hành khiến cho các hoạt động THADS được tạm ngừng. Tuy nhiên, quá trình áp dụng hoãn THADS gặp nhiều khó khăn trên thực tế. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2022;
  • Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/07/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
  • Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

1. HOÃN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ LÀ GÌ?

  • Theo Từ điển tiếng Việt, “hoãn là chuyển thời điểm đã định để làm việc gì đó sang thời điểm khác muộn hơn”. Trong khoa học pháp lý, “hoãn THA là chuyển thời điểm thi hành bản án, quyết định dân sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn”. Hoãn THADS là việc cơ quan THADS quyết định chưa tổ chức thi hành bản án, quyết định khi có căn cứ pháp luật quy định. 
  • Việc hoãn THA được thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật THADS 2008, sửa đổi bổ sung 2022 (Luật THADS) và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Hoãn THA được thực hiện theo 08 căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật THADS.

2. BẤT CẬP TRONG QUÁ TRÌNH ÁP DỤNG HOÃN THADS

– Thứ nhất, theo Khoản 1 Điều 48 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS có quyền ra quyết định hoãn THA. Phó Thủ trưởng cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan THADS và chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được giao.

  • Pháp luật THADS hiện hành không quy định về thẩm quyền của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan THADS trong việc xem xét tính hợp pháp của đương sự về thỏa thuận hoãn THA nên ngay sau khi nhận được sự thỏa thuận của các đương sự thì trong thời hạn 05 ngày làm việc bắt buộc người có thẩm quyền phải ra quyết định hoãn THA. 
  • Mặt khác, Điều 23 Luật THADS cũng không quy định về thẩm quyền ra quyết định hoãn THA và việc xem xét tính hợp pháp của thỏa thuận hoãn THA của các đương sự. 

– Thứ hai, về thời hạn hoãn THADS.

  • Điểm c khoản 1 Điều 48 Luật THADS quy định: “Đương sự đồng ý hoãn THA; việc đồng ý hoãn THA phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn”
  • Pháp luật THADS hiện hành không quy định cụ thể về thời gian tối đa hay tối thiểu đối với từng trường hợp cụ thể để hoãn THA. Quy định trên mang tính định tính và thể hiện ý chủ quan của từng người.

– Thứ ba, về quyền yêu cầu hoãn THADS.

  • Khoản 2 Điều 48 Luật THADS quy định: “Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án chỉ được yêu cầu hoãn THA một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được”
  • Người có thẩm quyền là tất cả các chủ thể tại Điều 331 và Điều 354 BLTTDS 2015 đều có thể yêu cầu hoãn THADS. Hiện nay, các quy định pháp luật về THA chưa có hướng dẫn cụ thể cho những trường hợp nào có thể phát sinh “hậu quả không thể khắc phục được” mà phụ thuộc vào nhận định chủ quan của những người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. 
  • Về số lần yêu cầu hoãn THA, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ được yêu cầu hoãn THA một lần để xem xét kháng nghị. 
  • Vấn đề đặt ra ở đây là Luật THADS không quy định cụ thể trong việc mỗi chủ thể có thẩm quyền được yêu cầu hoãn THA một lần hay tất cả các chủ thể có thẩm quyền chỉ được yêu cầu hoãn THA một lần. 

– Thứ tư, hiện nay có nhiều trường hợp lợi dụng các quy định của pháp luật về việc phá sản để tiến hành hoãn THA. Đối tượng phải THA trong trường hợp này thường là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…. Đối với những đối tượng này, tuyên bố phá sản, người đại diện theo pháp luật thay đổi liên tục hoặc bỏ trốn, lợi dụng thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản, tẩu tán tài sản… gây ra khó khăn cho cơ quan THADS. 

– Thứ năm, hoãn THA trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế.

  • Điểm g khoản 1 Điều 48 Luật THADS quy định: “Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ THA theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”.
  • Khoản 2 Điều 54 Luật THADS quy định: “Trường hợp người được THA, người phải THA là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ THA được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế”.
  • Điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định 33/2020/NĐ-CP quy định về sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gồm: “…đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế…” 
  • Điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan THADS thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ THA của người phải THA để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan THADS xử lý tài sản để THA”
  • Có thể thấy, các quy định của pháp luật trong trường hợp này là chưa thống nhất với nhau, cơ quan THADS phải hoãn THA hay tiếp tục tiến hành xử lý tài sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế.

Trên đây là nội dung về bất cập trong quá trình áp dụng hoãn THADS, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 26/10/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *