Phụ nữ là những đối tượng dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi và cần được quan tâm, bảo vệ trong xã hội. Do đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình 2000 đặc biệt quan tâm, chú ý đến một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật là nguyên tắc bảo vệ quyền phụ nữ. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về nguyên tắc bảo vệ quyền phụ nữ trong chế định kết hôn nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Hiến pháp năm 2013.
Mục lục
1. NGUYÊN TẮC BẢO VỆ QUYỀN PHỤ NỮ LÀ GÌ?
- Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo quán triệt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật Hôn nhân và gia đình. Các quy tắc cơ bản này được quy định cụ thể tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Khoản 2 Điều 58 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Và nguyên tắc này cũng được nhấn mạnh tại khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
2. BẢO VỆ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ TRONG CHẾ ĐỊNH KẾT HÔN
2.1 Về tuổi kết hôn
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tuổi kết hôn tối thiểu với nữ tại điểm a khoản 1 Điều 8 là đủ 18 tuổi (trước đây là từ 18 tuổi), với nam là đủ 20 tuổi (trước đây là từ 20 tuổi) nhằm bảo vệ sức khỏe cho nam nữ, đặc biệt là cho phụ nữ khi làm mẹ. Nếu tuổi kết hôn quá sớm thì cơ thể người nữ chưa phát triển hoàn thiện khi mang thai, sinh con nên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và con.
- Quy định này là phù hợp với Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành và đảm bảo phụ nữ có thể tự mình thực hiện các quyền khi xác lập quan hệ hôn nhân, thể hiện sự tự nguyện của mình khi kết hôn.
2.2 Về sự tự nguyện khi kết hôn
- Điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”.
- Nam nữ khi kết hôn phải được tự do bày tỏ ý chí của mình là mong muốn trở thành vợ chồng với nhau. Pháp luật đòi hỏi sự bày tỏ ý chí này phải thống nhất với ý chí thực của họ, nếu không phản ánh đúng có thể bị coi là thiếu sự tự nguyện trong kết hôn, theo căn cứ có thể bị hủy.
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam, nữ có quyền tự mình quyết định kết hôn để xóa bỏ tư tưởng lạc hậu, bảo vệ quyền của phụ nữ trong việc kết hôn.
- Về đảm bảo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cấm “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.
- Theo Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, kết hôn vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là trái pháp luật. Tòa án hủy việc kết hôn đó theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật Tố tụng dân sự khi có yêu cầu, ngoài ra còn bị xử lý hành chính. Ghi nhận và bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng giúp góp phần bảo vệ quyền của phụ nữ, hạn chế quyền yêu cầu li hôn của người chồng cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong quan hệ hôn nhân và gia đình.
Trên đây là nội dung về nguyên tắc bảo vệ quyền phụ nữ trong chế định kết hôn, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 20/10/2023