BẢO VỆ QUYỀN PHỤ NỮ TRONG CHẾ ĐỊNH QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA VỢ CHỒNG

Phụ nữ là đối tượng cần được quan tâm, bảo vệ trong xã hội nên Luật HN&GĐ 2014 đặc biệt quan tâm đến một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật là nguyên tắc bảo vệ phụ nữ. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu bảo vệ quyền phụ nữ trong chế định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Hiến pháp năm 2013.

1. NGUYÊN TẮC BẢO VỆ PHỤ NỮ LÀ GÌ?

  • Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình có thể là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo quán triệt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật HN&GĐ. Các quy tắc cơ bản này được quy định cụ thể tại Điều 2 Luật HN&GĐ 2014.
  • Khoản 2 Điều 58 Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Và nguyên tắc này cũng được nhấn mạnh tại khoản 4 Điều 2 Luật HN&GĐ 2014.

2. BẢO VỆ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ TRONG CHẾ ĐỊNH QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA VỢ CHỒNG

2.1 Trong quan hệ nhân thân của vợ chồng

  • Điều 17 và 18 Luật HN&GĐ 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”; “Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ”.
  • Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập… các lý do chính đáng khác tại Điều 19 Luật HN&GĐ 2014.
  • Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau tại Điều 21, 22 Luật HN&GĐ 2014.
  • Ngoài ra, vợ chồng bình đẳng trong lựa chọn nơi cư trú tại Điều 20 Luật HN&GĐ 2014 và có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa… tại Điều 23 Luật HN&GĐ 2014.
  • Như vậy, người phụ nữ trong gia đình với tư cách là người vợ cũng có tất cả các quyền và nghĩa vụ như người chồng; tương xứng nhau, quyền của người này được đảm bảo thực hiện bằng nghĩa vụ của người kia và ngược lại. Đồng thời, các quy định trên còn khẳng định, phụ nữ với tư cách là người vợ được tôn trọng về nhân phẩm, danh dự, thân thể, uy tín; mọi hành vi bạo lực với phụ nữ trong gia đình đều vi phạm pháp luật và bị xử lý
  • Bên cạnh đó, háp luật còn quy định vợ chồng có quyền đại diện hoặc ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch. Điều 25 Luật HN&GĐ 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác”. Quy định này đã khẳng định quyền của phụ nữ ngang bằng với nam giới, khẳng định địa vị pháp lý và năng lực của người vợ. 

2.2 Trong quan hệ tài sản của vợ chồng

  • Điều 28 Luật HN&GĐ 2014 cho phép vợ, chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc theo thỏa thuận. 
  • Nếu chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, theo Điều 47 Luật HN&GĐ 2014 phải lập văn bản thỏa thuận trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Quy định này thể hiện sự tôn trọng các quyền của cá nhân, trong đó có quyền của người phụ nữ trong việc định đoạt tài sản trong hôn nhân. 
  • Từ Điều 33 đến Điều 46 Luật HN&GĐ 2014 quy định về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật, thể hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng về quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ và chồng và đối với tài sản riêng của mỗi bên. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng khá phổ biến là người chồng tự ý định đoạt tài sản chung gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người vợ và gia đình. 
  • Điều 34 Luật HN&GĐ 2014 quy định giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác nhằm xóa bỏ tình trạng tài sản chung của vợ chồng như nhà ở, quyền sử dụng đất nhưng trong giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chồng. Tình trạng này hạn chế quyền tiếp cận nguồn lực của người vợ và rất bất lợi cho người vợ trong trường hợp vợ chồng ly hôn. 
  • Quy định vợ chồng có quyền ngang nhau trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung là khẳng định vị thế của người phụ nữ trong gia đình, bảo vệ quyền tài sản của người phụ nữ. 
  • Luật HN&GĐ hiện hành còn quy định vợ, chồng có quyền sở hữu tài sản riêng nhằm giúp phụ nữ có quyền độc lập về tài sản, quyền định đoạt tài sản họ đã có trước khi kết hôn hoặc được tặng cho, thừa kế trong thời kỳ hôn nhân. 

Trên đây là nội dung về nguyên tắc bảo vệ quyền phụ nữ trong chế định kết hôn, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 22/10/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *