Khi thuộc trường hợp chấm dứt văn phòng đại diện thì thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục chấm dứt theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp vấn đề về trình tự thủ tục giải thể văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Luật thương mại 2005
- Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
2. Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài
Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại 2005, văn phòng đại diện công ty nước ngoài (văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài) tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của công ty nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nhằm mục đích tìm hiểu thị trường, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại được pháp luật Việt Nam cho phép để thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh cho công ty nước ngoài.
3. Các trường hợp giải thể văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
– Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài;
– Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh;
– Quá thời hạn hoạt động 05 năm theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn hoặc không được cơ quan quản lý đồng ý gia hạn;
– Bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện;
– Thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện, Chi nhánh không còn đáp ứng một trong những điều kiện cấp phép thành lập tại Việt Nam (theo quy định tại điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP).
4. Hồ sơ đóng cửa/ giải thể văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
– Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
– Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
– Bản chính Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
– Bản sao văn bản của Cơ quan cấp Giấy phép không gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hoặc bản sao Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập – – – Văn phòng đại diện (trong trường hợp không gia hạn giấy phép)
5. Trình tự, thủ tục giải thể văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
Bước 1: Ra quyết định chấm dứt hoạt động và thanh toán nghĩa vụ với người lao động
Thương nhân nước ngoài ra quyết định chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, thông báo với người lao động và giải quyết chế độ lao động với nhân viên văn phòng.
Bước 2: Thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Văn phòng đại diện
Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế bao gồm:
-Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
– Quyết định chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện với các lý do ở trên;
– Bản sao Giấy phép hoạt động văn phòng đại diện, bản sao Thông báo mã số thuế của Văn phòng đại diện.
– Cơ quan thuế quyết toán thuế của Văn phòng đại diện đồng thời quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho trưởng văn phòng đại diện người nước ngoài và nhân viên làm việc tại văn phòng đại diện.
Bước 3: Đóng tài khoản ngân hàng của Văn phòng đại diện
Sau khi Cơ quan thuế quyết toán và ra văn bản chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Văn phòng đại diện, Văn phòng đại diện thực hiện đóng tài khoản ngân hàng đã mở.
Bước 4: Thực hiện trả dấu tại cơ quan công an tỉnh/thành phố.
Hồ sơ trả dấu văn phòng đại diện bao gồm:
– Công văn trả dấu của Văn phòng đại diện;
– Con dấu của Văn phòng đại diện;
– Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu;
– Bản sao Giấy phép hoạt động văn phòng đại diện;
– Quyết định chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện với các lý do ở trên;
– Bản sao Văn bản chấm dứt hiệu lực mã số thuế của cơ quan thuế;
– Thời gian thực hiện thủ tục trả dấu
Cơ quan công an tiếp nhận hồ sơ trả dấu và ra Thông báo hủy dấu của Văn phòng đại diện trong thời gian 3 -5 ngày làm việc.
Bước 5: Nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện trực tiếp tại cơ quan quản lý
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép hoạt động văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.
6. Nghĩa vụ của thương nhân nước ngoài khi chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện
Căn cứ Điều 38 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định các nghĩa vụ có liên quan đến việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh như sau:
– Ngoài việc thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 Nghị định này, thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải niêm yết công khai về việc chấm dứt hoạt động tại trụ sở của Văn phòng đại diện, Chi nhánh và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật khi Văn phòng đại diện, Chi nhánh chấm dứt hoạt động.
– Thương nhân nước ngoài có Văn phòng đại diện, Chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những giải đáp về thủ tục giải thể văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My