PHÂN BIỆT CẤP BẢN SAO TỪ SỔ GỐC VỚI CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH

Cấp bản sao từ sổ gốc và chứng thực bản sao từ bản chính về bản chất là khác nhau nhưng vẫn có nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về việc phân biệt hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc và chứng thực bản sao từ bản chính trong bài viết dưới đây nhé.

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;
  • Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2. PHÂN BIỆT CẤP BẢN SAO TỪ SỔ GỐC VÀ CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH

2.1. Khái niệm

  • Khoản 1 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Cấp bản sao từ sổ gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc
  • Khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính
  • Về bản chất, cấp bản sao từ sổ gốc là hoạt động chỉ có thể thực hiện do cơ quan, tổ chức giữ sổ gốc cấp bản sao cho người yêu cầu. Chứng thực bản sao từ bản chính được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cá nhân, tổ chức có bản chính sao thành bản sao rồi yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác minh bản sao đó giống với bản chính.

2.2. Giá trị pháp lý

  • Khoản 1 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
  • Khoản 2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”
  • Như vậy, bản sao được cấp từ sổ gốc sử dụng trong các giao dịch dân sự thay cho bản chính, trong khi đó bản sao chứng thực từ bản chính chỉ có giá trị sử dụng để đổi chiếu thay cho bản chính. 
  • Trong nhiều hoạt động dân sự yêu cầu tính pháp lý cao như hồ sơ cán bộ công chức ….thường yêu cầu bản sao từ sổ gốc Giấy khai sinh. Các hoạt động giao dịch thương mại, các thủ tục hành chính thì các cơ quan hành chính thường yêu cầu xuất trình bản sao chứng thực trong hồ sơ cấ.

2.3.  Căn cứ để cấp

  • Hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc là căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Khoản 7 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Sổ gốc” là sổ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập ra khi thực hiện việc cấp bản chính theo quy định của pháp luật, trong đó có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính mà cơ quan, tổ chức đó đã cấp. 
  • Hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính là căn cứ vào bản chính đã được cấp để chứng thực bản sao, trong đó bản chính gồm: Giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2.4. Chủ thể có quyền yêu cầu

  • Theo Điều 16 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, chủ thể có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc là cá nhân, tổ chức được cấp bản chính; người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính; cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết.
  • Hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính, chủ thể có quyền yêu cầu không giới hạn nhưng phải đảm bảo điều kiện như người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP; phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực hoặc xuất trình khi làm thủ tục chứng thực theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 23/2015/NĐ-CP. 

2.5. Thẩm quyền thực hiện

  • Hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc, cơ quan, tổ chức đang quản lý số gốc có thẩm quyền thực hiện hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc. 
  • Hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính, các chủ thể có thẩm quyền thực hiện gồm: UBND xã, phường, thị trấn; công chứng viên; phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. 
  • Như vậy, thẩm quyền thực hiện của hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc là hẹp, tức là chỉ cơ quan, tổ chức đang quản lý số gốc có thẩm quyền thực hiện hoạt động này. 
  • Trong khi đó, chủ thể của hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính là rộng, tức là UBND xã, phường, thị trấn; công chứng viên; phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài đều có quyền chứng thực bản sao từ bản chính.

 

Trên đây là nội dung về phân biệt cấp bản sao từ sổ gốc với chứng thực bản sao từ bản chính, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 22/10/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *