Đăng ký thường trú của người sinh sống và làm nghề lưu động 

Việc quy định về nơi cư trú rõ ràng rất thuận tiện cho việc quản lý dân cư và tạo điều kiện cho người dân được cư trú hợp pháp tại nơi làm việc mà không phải là nơi đăng ký thường trú. Tuy nhiên, hiện này rất nhiều người dân hay nói chính xác hơn là người hành nghề lưu động sống trực tiếp trên tàu thuyền và các phương tiện lưu động thì lại không xác định được nơi cư trú của mình là ở đâu vì họ không sống cố định một chỗ. Trong phạm vi bài viết dưới đây, WINLEGAL sẽ cung cấp thông tin cho bạn về vấn đề này.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

– Bộ Luật Dân sự năm 2015

– Luật Cư trú năm 2020

– Nghị định 62/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú

I. Nơi cư trú của người làm nghề lưu động

1. Nơi cư trú của người làm nghề lưu động là gì

Theo Điều 45 Bộ luật dân sự năm 2015, nơi cư trú của người sinh sống và làm nghề lưu động được quy định như sau:

“Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này.”

Nơi cư trú của người làm nghề lưu động được xác định dưới góc độ pháp lý thì được biết dựa theo đơn vị hành chính xã, phường; quận, huyện; tỉnh/ thành phố.

2. Phân loại nơi cư trú của người làm nghề lưu động

Trên cơ sở quy định tại Điều 45 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nơi cư trú của người làm nghề lưu động. Theo đó, nơi cư trú của những cá nhân hay còn được gọi một cách chính xác hơn là người hành nghề lưu động này được xác định theo 2 trường hợp, cụ thể:

Trường hợp thứ nhất: Nơi cư trú của người hành nghề lưu động vẫn được pháp luật này xác định theo nguyên tắc xác định nơi cư trú của cá nhân nói chung tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật này là nơi mà người hành nghề lưu động thường xuyên sinh sống.

Trường hợp thứ hai: Nếu người hành nghề lưu động không xác định được nơi cư trú trong trường hợp nơi cư trú của cá nhân nói chung tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật này là nơi mà người hành nghề lưu động thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú của họ được xác định là nơi phương tiện lưu động đăng ký như nơi đăng ký tàu, thuyền và các phương tiện lưu động khác.

Trên cơ sở ra đời của Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú 2020 đã giải quyết được rất nhiều vướng mắc trong việc xác định nơi cư trú cho người hành nghề lưu động.

II. Điều kiện đăng ký thường trú của người sinh sống trên phương tiện lưu động

Theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Luật cư trú năm 2020 quy định người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú;
  • Phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật; trường hợp phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở;
  • Có xác nhận của UBND cấp xã về việc phương tiện đã đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trên địa bàn trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.

III. Thủ tục đăng ký thường trú trên tàu thuyền 

Theo Điều 3 Nghị định 62/2021/NĐ-CP thủ tục đăng ký thường trú trên tàu thuyền được quy định như sau:

Để thực hiện thủ tục đăng ký thường trú trên tàu thuyền, người dân phải thực hiện 02 thủ tục gồm :

  • Đăng ký nơi thường xuyên đậu đỗ của phương tiện, tàu thuyền;
  • Đăng ký thường trú trên phương tiện đó.

1. Đăng ký nơi thường xuyên đậu đỗ của phương tiện

1.1 Chuẩn bị hồ sơ

 Hồ sơ đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện gồm:

  • Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện theo mẫu;
  • Thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu còn hạn sử dụng của chủ phương tiện;
  • Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở;
  • Hợp đồng thuê bến bãi cho phương tiện (nếu có).

Công dân có thể cung cấp bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính của giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký để đơn vị tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu.

1.2 Nộp hồ sơ

Công dân nộp hồ sơ đến UBND xã. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã (hoặc UBND cấp huyện nếu không có đơn vị hành chính cấp xã) xem xét, xác nhận vào Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện cho chủ phương tiện.

Sau đó chủ phương tiện sử dụng Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện đã được UBND cấp xã (hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã) xác nhận để đăng ký thường trú, tạm trú cho bản thân mình hoặc người khác sinh sống, làm nghề lưu động trên phương tiện nếu chưa có nơi thường trú, tạm trú nào khác.

2. Đăng ký thường trú trên tàu thuyền

2.1 Chuẩn bị hồ sơ

Theo quy định tại khoản 7 Điều 21 Luật cư trú năm 2020, người thường xuyên sinh sống trên tàu thuyền chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú gồm:

  • Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký thường trú không phải là chủ phương tiện thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
  • Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hoặc văn bản xác nhận của UBND cấp xã về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở đối với phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm;
  • Văn bản xác nhận của UBND cấp xã về địa điểm phương tiện đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.

2.2 Nộp hồ sơ

Công dân nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú – công an xã, phường.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú. Trường hợp từ chối đăng ký thì cơ quan đăng ký cư trú phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là thông tin về thủ tục đăng ký thường trú của người sinh sống và làm nghề lưu động theo quy định pháp luật. Mọi thắc mắc quý độc giả vui lòng liên hệ về:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 11/10/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *